Thứ Ba, 23/4/2024 - 17:08:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ưu tiên nguồn lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khoẻ người dân

THỨ BA, 16/10/2018 09:05:00 | Y TẾ
(BKTO) - Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng, đòi hỏi phải có các giải pháp can thiệp đồng bộ nhằm cải thiện tầm vóc, trí tuệ và sức khoẻ người Việt.

Nguy cơ từ chế độ dinh dưỡng bất hợp lý

Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng, trong những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực, thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, theo Ths, BS. Trần Khánh Vân- Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)- Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Đáng chú ý là, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4%, đồng thời có sự khác biệt giữa các vùng miền, khu vực (theo số liệu của mạng lưới giám sát dinh dưỡng, toàn quốc năm 2017); tỷ lệ thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị.

Theo kết quả điều tra năm 2014- 2015, tỷ lệ béo phì ở trẻ em học sinh tiểu học của TP. Hồ Chí Minh là trên 50%, khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8%, ở phụ nữ không có thai là 25,5%; tỷ lệ thiếu kẽm còn rất cao (ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4% và phụ nữ có thai còn đặc biệt cao 80,3%).

Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Hiện nay, mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang chủ yếu các bệnh không lây nhiễm. Theo ước tính của WHO tại Việt Nam năm 2017, cả nước có trên 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76% (411.600 ca), trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương...

Thực hiện các giải pháp nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt Nam

Để thực hiện các mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; đồng thời triển khai có hiệu quả các giải pháp can thiệp của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Theo đó, đầu tư cho công tác chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và của mỗi địa phương; nguồn lực đầu tư được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách nhà nước tập trung cho cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân.
 

Hướng dẫn thực hành chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ- Ảnh: Hà Phương

Các mục tiêu để cải thiện tình trạng sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, nâng cao tầm vóc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam đến năm 2025 là: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%; tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây dưới 50%; tăng cường vận động thể lực: giảm tỷ lệ người dân thiếu vận động thể lực với người trưởng thành (từ 18-69 tuổi) là 25%, trẻ em (từ 13- 17 tuổi) là 60%; tăng tỷ lệ trường học bán trú, nội trú có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh với trường mầm non là 70% và trường tiểu học là 75%.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu/vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và phổ biến các chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền.

Cùng với đó, ngành Y tế cần phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng, với các nội dung về chăm sóc dinh dưỡng cho 1000 ngày đầu đời của trẻ; thực hiện chăm sóc và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và giảm muối trong khẩu phần ăn.

Triển khai có hiệu quả các chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con bú, người cao tuổi và các can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng; tăng cường vận động thể lực cho toàn dân, đặc biệt là tăng cường vận động thể chất trong hệ thống trường học, rèn luyện thể dục thể thao tại cộng đồng; đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực hộ gia đình, đảm bảo dự phòng và đáp ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.
 
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông "Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23/10/ 2018 với chủ đề là “Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai”.

HỒNG HẢI

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201