Thứ Ba, 30/4/2024 - 07:17:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

TP. Hồ Chí Minh: Sẵn sàng phương án điều trị lên tới 15.000 ca bệnh Covid-19

THỨ SÁU, 09/07/2021 10:36:51 | Y TẾ
(BKTO) - Với 4 Bệnh viện Dã chiến với 12.000 giường bệnh cùng 5.000 giường tại các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong trường hợp có từ 10.000 - 15.000 ca mắc.

Cách ly xã hội toàn Thành phố, vận hành 4 bệnh viện dã chiến

Trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại Thành phố và mức độ giao thương với các địa phương lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta - chủng virus được Tổ chức Y tế thế giới xem là chủng trội toàn cầu, có khả năng lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
 

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: CDC TP. Hồ Chí Minh

Vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, Thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng trong 15 ngày trên địa bàn Thành phố từ 0h ngày 09/7.

Cùng với đó, với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Y tế, Thành phố đã và đang huy động tổng lực cho công tác phòng, chống dịch. Theo thông tin từ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 7.000 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Để thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, Thành phố đã đưa vào hoạt động thêm Bệnh viện Dã chiến số 3 tại khu nhà tái định cư ở TP. Thủ Đức với quy mô 3.000 giường và Bệnh viện Dã chiến số 4 tại khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh với quy mô 3.000 giường, nâng tổng công suất thu dung điều trị tại 4 bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lên mức 12.000 giường.

Với 4 Bệnh viện Dã chiến cùng 5.000 giường tại các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 với 10.000-15.000 ca mắc trên địa bàn Thành phố.

Đảm bảo nhân lực và trang thiết bị chống dịch

Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh đã huy động tổng lực nhân sự từ các đơn vị trên địa bàn. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố cùng với hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến, thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, trong thời gian luân phiên các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến, không trở về nhà.
 

Đoàn thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch - Ảnh: Bộ Y tế


Với tinh thần cả nước vì TP. Hồ Chí Minh, lực lượng nhân viên y tế từ nhiều tỉnh, thành phố cũng đã đăng ký sẵn sàng lên đường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch cho biết, nhiều địa phương đã chủ động đăng ký sẵn sàng cử nhân sự tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch, tuy nhiên số lượng nhân sự được điều động sẽ dựa trên nhu cầu thực tế của TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều động phù hợp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ điều động khoảng 10.000 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh. Nếu chỉ tính riêng các đơn vị y tế tuyến Trung ương trên địa bàn thì có thể điều tới 5.000 người tham gia chống dịch Covid-19. Lực lượng này bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên từ các trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Y khoa Phạm Ngọc Thạch… các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh… Bộ Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ Quốc phòng để huy động sự hỗ trợ từ lực lượng Quân y trực thuộc Bộ Quốc Phòng đóng trên địa bàn Thành phố.

Phó Bí thư Thường trực TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đang làm việc với từng quận, huyện trên địa bàn Thành phố, xác định rõ nhu cầu nhân lực công tác tại từng đơn vị để có kế hoạch điều phối, phối hợp, tăng cường phù hợp; Đồng thời, Thành phố cũng đã liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, thực phẩm, di chuyển… để có sự bố trí thích hợp, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch tại từng địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP. Hồ Chí Minh lập danh sách chi tiết về số lượng nhân sự cần được chi viện theo từng mục đích, bao gồm hỗ trợ công tác lấy mẫu, bù khuyết vào các trường hợp nhân sự được điều chuyển, các bác sĩ, điều dưỡng tham gia hỗ trợ điều trị tại các bệnh viện dã chiến, cũng như nhu cầu nhân sự để thực hiện “đảo quân” với những người thuộc lực lượng tuyến đầu đã tham gia công tác trong suốt thời gian vừa qua.

Về hậu cần phục vụ chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã trao đổi với một tập đoàn lớn để hỗ trợ khoảng 3 triệu bộ sinh phẩm xét nghiệm và có thể nhiều hơn nữa cho TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng đề nghị TP. Hồ Chí Minh rà soát lại tất cả các trang thiết bị, máy móc, hoá chất… để có phương án bổ sung cho tình huống ca bệnh gia tăng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh cần chuẩn bị phương án 1.000 máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để điều trị bệnh nhân nặng. Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ thêm máy ECMO cho Thành phố. “Nguyên tắc chống dịch là luôn luôn cấp trang thiết bị y tế nhiều hơn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 để đảm bảo hiệu quả của công tác điều trị” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201