Thứ Bảy, 27/4/2024 - 08:25:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi

THỨ NĂM, 18/10/2018 21:20:00 | Y TẾ
(BKTO) - Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella (MR) cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018- 2019, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi, Rubella trong cộng đồng. Chiến dịch được triển khai tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố, với hơn 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin MR.

95% trẻ sẽ được tiêm bổ sung vắc xin

Theo Kế hoạch của Bộ Y tế, thời gian triển khai chiến dịch chia làm 2 đợt. Đợt 1: tháng 11, 12/2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố. Đợt 2: tháng 1, 2/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.

Theo đó, tất cả trẻ từ 1 - 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (trẻ sinh từ ngày 1/1/2014 đến 1/11/2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ ngày 1/3/2014 đến 1/1/2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin MR ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc vắc xin phòng bệnh Rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Chiến dịch đặt mục tiêu sẽ có 95% trẻ từ 1- 5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin MR, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng.

Góp phần đạt mục tiêu loại trừ bệnh Sởi, Rubella

Theo Bộ Y tế, Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
 

Hơn 4,2 triệu trẻ em sẽ được tiêm bổ sung vắc xin Sởi- Rubella- Ảnh: Nguyên An

Vắc xin MR an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (SPB) tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính. Năm 2018, tính đến ngày 17/9/2018 toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp SPB, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). Các tỉnh có số SPB và sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên... Số SPB nghi sởi phân bố chủ yếu tại miền Bắc (2.094 trường hợp, 91%), miền Nam (197 trường hợp, 8,56%), miền Trung (6 trường hợp, 0,26%), Tây Nguyên (4 trường hợp, 0,17%). So với cùng kỳ năm 2017 (SPB: 251; Dương tính: 41), số SPB nghi sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần.

Trong số các trường hợp SPB nghi sởi, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), trong đó dương tính 110, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.004 trường hợp, chiếm 43,6%, trong đó dương tính 501) và không rõ tiền sử tiêm chủng (927 trường hợp, chiếm 40,3%, trong đó dương tính 343).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin MR trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.

Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vắc xin MR cho 33 huyện thuộc 06 tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ tháng 6/2018. Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Ngoài ra, 13 tỉnh/thành phố vùng nguy cơ cao đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin MR cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao năm 2018 cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin MR trên địa bàn bằng nguồn kinh phí của địa phương như Hà Nội, Lào Cai.

Việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vắc xin MR tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch Sởi, Rubella quay trở lại, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh Sởi và Rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Dự án Tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2016-2020.
 
Kinh phí triển khai chiến dịch sử dụng từ nguồn kinh phí NSNN dành cho Dự án Tiêm chủng mở rông. Tổng kinh phí là hơn 91,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin là 81,4 tỷ đồng, kinh phí mua vật tư tiêm chủng là hơn 9,9 tỷ đồng. 
 
NGUYÊN AN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201