Thứ Sáu, 29/3/2024 - 17:33:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 cho 5 tỉnh, thành phố phía Nam

THỨ BA, 07/12/2021 16:43:34 | Y TẾ
(BKTO) – Trước tình trạng số ca mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương theo danh sách phân công nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để phối hợp, hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.

Chiều ngày 06/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh đang có ca mắc Covid-19, số ca tử vong gia tăng trong thời gian gần đây là: TP. Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu và An Giang.

Báo cáo của TP. Cần Thơ tại cuộc họp cho biết, số ca mắc thời gian gần đây đang gia tăng, hiện đã trên 30.000 ca; Thành phố đang ở cấp độ dịch 3.

Tại tỉnh An Giang, số ca mắc Covid-19 đến nay của tỉnh là 24.753 trường hợp, trong đó số đang điều trị là 5.284 ca. Tuy nhiên lũy kế số tử vong là 468 bệnh nhân (chiếm 1,89%), 75% bệnh nhân tử vong chưa được tiêm vắc xin. Toàn tỉnh có 13 cơ sở thu dung điều trị với 4.570 giường bệnh. Người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch được điều trị tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện đa khoa (BVĐK) trung tâm An Giang, BVĐK khu vực tỉnh, BVĐK khu vực Tân Châu và Bệnh viện Sản Nhi.
 

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Bộ Y tế

Báo cáo của tỉnh Tây Ninh cho biết, đến ngày 06/12, tỉnh này ghi nhận 49.639 ca mắc Covid-19, đang điều trị 14.838 ca, trong số đó có 173 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại tầng 3.

Tại Sóc Trăng đến ngày 06/12 ghi nhận 21.835 ca mắc Covid-19; cộng dồn có 127 ca tử vong, trong số đó 76% người tử vong chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 3.766 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn; 3.813 trường hợp F0 đang quản lý, theo dõi và cách ly tại nhà. Đánh giá về cấp độ dịch của tỉnh cho thấy hiện có 7 đơn vị ở cấp độ 4 và 33 đơn vị ở cấp độ 3.

Báo cáo của 5 địa phương cũng cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 rất cao (trên 98%); mũi 2 trên 80%. Các tỉnh này cũng đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi; đang triển khai tiêm mũi 2.

Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện Trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vắc xin để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng vi rút phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát; hỗ trợ máy thở…

Trước đề xuất trên, tại cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các bệnh viện tuyến Trung ương theo Quyết định số 5500/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và 10 tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện trong danh sách phân công phải nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai, trong ngày 07/12 phải cử thêm 1 đoàn cán bộ y tế nữa đến An Giang; Bệnh viện Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa-Vũng Tàu; Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng.

Riêng TP. Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị.

Các bệnh viện tuyến Trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh, thành phố phải thực hiện chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa tiêm vắc xin để tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Trong công tác điều trị, cần phân loại bệnh nhân, người có nguy cơ, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, có khoảng giữa tầng 1 là 1 , tầng 2 là 2 và tầng để quản lý, giám sát chặt chẽ ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời.

Bên cạnh đó các địa phương thực hiện quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo “y tế phải gần dân nhất” thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động. Mỗi xã, phường có thể có nhiều trạm y tế, tổ y tế lưu động để quản lý chặt chẽ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao nhằm sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương phải ngay lập tức rà soát việc cung cấp oxy cho các cơ sở điều trị Covid-19, phải có hệ thống oxy bồn, máy thở phục vụ điều trị hồi sức cho bệnh nhân khi cần…
Đ. KHOA

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201