Thứ Sáu, 26/4/2024 - 19:34:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

THỨ HAI, 10/12/2018 17:05:00 | Y TẾ
(BKTO) - Tại Việt Nam, những năm gần đây, số người nhiễm và tử vong do HIV/AIDS đã giảm. Tuy nhiên, những người bị nhiễm HIV vẫn còn chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ y tế.

Nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị với HIV/AIDS

Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện nay sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh, hình thức và mức độ khác nhau. Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, nhưng phổ biến là 04 nguyên nhân. Thứ nhất, do bản chất của bệnh, vì kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, khó chữa. Trước đây người dân rất sợ và tránh xa những người mắc bệnh phong cùi, lao, hoa liễu... và HIV/AIDS cũng là bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh.
 

Vì một xã hội không còn kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS cần sự chung tay của cả cộng đồng - Ảnh: ST

Thứ hai, do đường lây nhiễm chủ yếu liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật. HIV lây qua đường tình dục vốn bị kỳ thị như các bệnh lậu, giang mai, bị xã hội định kiến là những người có quan hệ tình dục bừa bãi. HIV lây qua đường máu, chủ yếu do sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy.

Thứ ba, do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều người vẫn cho rằng, HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường; HIV có thể tồn tại lâu trong môi trường…

Thứ tư, do truyền thông không đầy đủ hoặc không phù hợp trong thời gian dài như: quá chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV; truyền thông bằng hình ảnh chết chóc, tạo sự sợ hãi trong cộng đồng.

Cần đổi mới tư duy truyền thông về HIV/AIDS

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS là việc làm cần thiết và rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.

Để làm được điều này, ông Long cho rằng, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Cụ thể, chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng. Tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường; giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế - xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.

Đồng thời, biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử; đa dạng hóa các phương pháp truyền thông; lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV và tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc… Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...

Truyền thông không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những con đường dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS, mà còn chỉ ra những việc làm, những hành vi an toàn khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh. “Truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS, đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi ấy, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV cũng như những người bệnh khác mà không phụ thuộc vào hành vi nào đã dẫn đến sự lây nhiễm HIV của họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng được sự sợ hãi và tìm ra được những giải pháp có hiệu quả để đối phó với căn bệnh thế kỷ này” - ông Long nói.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201