Thứ Năm, 25/4/2024 - 18:16:22 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Về đích sớm Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

THỨ SÁU, 06/11/2020 08:35:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều mục tiêu chính đã vượt yêu cầu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 (Nghị quyết 100). Những kết quả này đã đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.


Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và về đích trước 1 năm mục tiêu Quốc hội giao. Ảnh: TTXVN

Thành công trong huy động nguồn lực

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, công tác thực hiện các chương trình MTQG đã huy động được một nguồn lực rất lớn (khoảng 2.965.199 tỷ đồng) từ NSNN, các chương trình, dự án, các tổ chức, DN và người dân để thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực huy động đã được sử dụng để đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện cho vay hỗ trợ sản xuất, kiên cố hóa kênh mương; triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội... 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tổng nguồn lực huy động là một thành công lớn để thực hiện các chương trình với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực bố trí vốn NSNN theo Nghị quyết 100, tăng nguồn lực đầu tư cho các chương trình MTQG; đặc biệt, các tỉnh, thành phố đã dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương (NSĐP) bố trí vượt so với kế hoạch đề ra (Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn từ NSĐP bố trí vượt 113.241,477 tỷ đồng, tương đương 87,1% so với mức tối thiểu quy định tại Nghị quyết 100; Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, vốn NSĐP đạt 13.912,66 tỷ đồng, gấp 2,95 lần mức tối thiểu theo yêu cầu Quốc hội giao). Nguồn vốn NSNN cũng đóng vai trò thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội, khuyến khích sự quan tâm, đóng góp tích cực của người dân, DN chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng yếu thế, với khoảng 44.532,82 tỷ đồng. 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua 5 năm thực hiện, nhiều mục tiêu tổng thể của Nghị quyết 100 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao. Cụ thể, đối với Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành và về đích trước 1 năm mục tiêu Quốc hội giao. Đến hết tháng 8/2020, có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng 3.818 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đối với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm qua giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao. 

Cần khắc phục tình trạng phân bổ vốn chậm, dàn trải

Chính phủ đánh giá, kết quả thực hiện các chương trình MTQG góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Theo đó, kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn không ngừng được hoàn thiện; đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt. Nguồn lực cân đối từ NSĐP mới chỉ tập trung cho Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới. Phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm. Việc phân cấp trong quản lý đầu tư còn chưa thực chất, năng lực cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình MTQG ở cấp huyện, xã còn yếu. Trong xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành thực hiện các chương trình vẫn còn tình trạng chậm tiến độ; thiết kế chính sách đặc thù chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số...

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra, việc phân bổ và giao vốn chương trình MTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải; chậm giao chi tiết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, bố trí vượt số vốn ghi trong quyết định đầu tư, bố trí dồn vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiều công trình, dự án. Một số địa phương có nợ đọng xây dựng ở mức cao. Một số công trình hoàn thành, sau một thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp, chưa được chú trọng bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng kịp thời để phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững. Cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện một số nội dung chưa thật hợp lý. Việc thực hiện lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG còn nhiều hạn chế, chưa được hướng dẫn cụ thể, khó khăn trong tổ chức thực hiện… Đặc biệt, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa thực chất; kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều… Đây là những vấn đề cần được quan tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG trong giai đoạn tiếp theo.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201