Thứ Ba, 23/4/2024 - 13:47:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường giám sát trong cải cách hành chính

THỨ HAI, 10/09/2018 09:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Thời gian qua, công tác giám sát việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) đã được đẩy mạnh, qua đó góp phần giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân, DN.

Thủ tục còn rườm rà, kỷ luật công vụ chưa nghiêm

Công tác CCHC luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC trên các lĩnh vực trọng tâm, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hỗ trợ và phát triển DN. 

Nhằm đảm bảo công tác CCHC được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, thời gian qua, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp cũng đã đưa công tác CCHC vào nhiệm vụ giám sát hằng năm. Kết quả, kiến nghị sau giám sát đã giúp góp phần cải thiện tình trạng nợ đọng văn bản so với trước; việc đơn giản hóa TTHC liên quan đến sản xuất kinh doanh, giấy tờ công dân đã có chuyển biến rõ rệt, góp phần thúc đẩy DN phát triển, tạo thuận lợi cho người dân khi giao dịch. 
 

Công tác CCHC cần được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa - Ảnh: Nguyễn Loan
 
Tuy nhiên, công tác giám sát CCHC vừa qua cũng cho thấy, thực trạng chất lượng văn bản pháp luật trên một số lĩnh vực còn thấp; việc công khai quy định hành chính và TTHC trên trang thông tin điện tử của một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ. TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hoá... 

Tại Hội thảo “Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức” do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, ông Đỗ Duy Thường - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam - cho biết, kết quả giám sát cho thấy, công tác giải quyết TTHC vẫn còn nhiều thủ tục quá rườm rà; đạo đức công vụ của cán bộ, công chức chưa cao; kỷ luật công vụ chưa nghiêm chính là rào cản cho người dân khi đi làm các TTHC và phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Từ đó, ông Thường cho rằng, để thực hiện được điều này, MTTQ các cấp cần triển khai giám sát thái độ phục vụ, đạo đức của công chức, người đứng đầu đối với người dân - vì đây chính là những người then chốt, trực tiếp thực hiện CCHC. 

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: Việc xếp hạng CCHC thời gian qua cũng là một cách đánh giá mức độ cải cách của các cơ quan, đơn vị thông qua những con số được định lượng, có sự so sánh, xếp hạng giữa các cơ quan. Theo ông Hùng, đây cũng chính là một kênh giám sát toàn dân, có tác động tích cực đến nhận thức, hành động của người đứng đầu các cơ quan trong việc chỉ đạo, điều hành CCHC. “Hiện nay, các Bộ, ngành đang chủ động đo lường, đánh giá chất lượng CCHC trong hoạt động của mình. Để có bộ tiêu chí đánh giá tiên tiến, phù hợp, trước khi ban hành cần thu thập ý kiến của MTTQ và các chuyên gia” - ông Hùng lưu ý.  

Tạo áp lực, thúc đẩy cải cách hành chính 

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cũng cho rằng, trong thời gian tới, công tác giám sát CCHC của MTTQ Việt Nam cần đi sâu vào các nội dung phù hợp với khả năng và điều kiện, đảm bảo tính hiệu quả, thực chất của công tác giám sát, thể hiện vai trò của MTTQ trong giám sát để thúc đẩy CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, dịch vụ công.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, người dân là đối tượng chịu tác động trực tiếp của mọi chính sách, giải pháp về CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng. Vì vậy, với vai trò đại diện của nhân dân, MTTQ các cấp cần phát huy vai trò giám sát của mình trong công tác CCHC, góp phần cùng người dân tạo áp lực, thúc đẩy công cuộc CCHC của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đạt mục tiêu đề ra.

Những kết quả giám sát trọng tâm trong lĩnh vực CCHC do MTTQ thực hiện trong thời gian qua đã được Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề cập tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 và kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh. Cụ thể, trong 6 nhóm vấn đề được Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề cập, có nhiều vấn đề liên quan đến CCHC. Điển hình là việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, các thủ tục về cấp phép kinh doanh và đăng ký kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đặt ra  ngày 15/8/2018 là hạn cuối cùng để các Bộ, ngành cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh, tuy nhiên, tốc độ hiện nay đang diễn ra chậm.

Liên quan đến công tác xử lý văn bản trái pháp luật theo kiến nghị của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30/11 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Hai chương trình giám sát về CCHC đang được MTTQ Việt Nam phối hợp triển khai gồm: Đo lường sự hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 36 ra ngày 06-9-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201