Thứ Bảy, 27/4/2024 - 10:02:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần chỉnh sửa, bỏ quy định không phù hợp về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước

THỨ NĂM, 08/11/2018 15:10:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị, chỉnh sửa quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong quản lý thuế, để bảo đảm tính thống nhất các quy định của Luật KTNN, Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan đối với việc kiểm toán hoạt động của cơ quan quản lý thuế.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn

Sáng nay (8/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 152 điều, với các quy định về: nội dung, nguyên tắc quản lý thuế và các hành vi bị cấm; đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế; các biện pháp xử lý nợ đọng thuế: khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp; áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử; thanh tra, kiểm tra thuế và các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân phủ pháp luật thuế của người nộp thuế; hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế...

Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế như Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; HĐND, UBND các cấp theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế. Các Bộ, ngành có liên quan được xây dựng theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành.

Dự thảo Luật cũng quy định, cơ quan KTNN, Thanh tra Nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế: trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Thẩm tra Dự án Luật, liên quan đến nội dung này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong việc quản lý thuế cần bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Về quyền của người nộp thuế, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan KTNN, cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trong việc quản lý thuế, đề nghị bổ sung quy định về phối hợp giữa cơ quan thanh tra các cấp, KTNN và các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN, Thanh tra Nhà nước và kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra thuế, báo cáo thẩm tra nêu rõ: Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN (Điều 21), Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với khoản 1 Điều này để bảo đảm tính thống nhất các quy định của Luật KTNN, Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan đối với việc kiểm toán hoạt động của cơ quan quản lý thuế. 

Đối với khoản 2, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cần chỉnh sửa lại khoản này theo hướng, KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành theo quy định của Luật KTNN.

Đối với quy định về cơ quan thanh tra (Điều 22), cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi thống nhất như Điều 21 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cơ quan KTNN.

Về trường hợp có sự khác biệt của cơ quản lý thuế qua kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra với kiến nghị của cơ quan KTNN và kết luận của cơ quan Thanh tra (khoản 4 Điều 110, khoản 3 Điều 119), đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị bỏ các quy định này. Theo cơ quan thẩm tra, việc quy định như Dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Luật KTNN, Luật Thanh tra; chưa bao quát hết các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quản lý thuế (như cơ quan điều tra, kiểm tra Đảng…). Mặt khác, các cơ quan không cùng hệ thống hành pháp song lại quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định khi có sự khác nhau với cơ quan hành pháp là không đúng với các nguyên tắc tổ chức Nhà nước và không phù hợp về thẩm quyền quyết định. Đồng thời, nội dung quy định tại khoản này cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng, trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan KTNN thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan thanh tra và các cơ quan khác thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
 
Theo chương trình, Dự án Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tổ tại phiên họp sáng (12/11), sau đó Quốc hội thảo luận tại hội trường vào phiên họp sáng 16/11.
 
Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước

1.Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về Kiểm toán Nhà nước, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều110, Điều 113, khoản 3 Điều 119 của Luật này.

Điều 110. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế“

4. Trường hợp kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý thuế khác với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này.”

Điều 119. Kết luận thanh tra thuế

“3. Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuếc ó sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

(Trích Dự thảo 6, Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) trình Quốc hội sáng 8/11)
 
N. HỒNG
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201