Thứ Sáu, 26/4/2024 - 06:56:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phát triển trí tuệ nhân tạo - cơ hội mới cho Việt Nam trong thời đại số

THỨ HAI, 25/02/2019 09:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Hơn một năm trở lại đây ở nước ta, các thuật ngữ như “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “thời đại số”, “cuộc sống số”, “trí tuệ nhân tạo - AI” đã trở nên phổ biến. Trong đó, AI được xác định là một công nghệ với mục đích tổng thể - công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia.

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam cần sớm lên đoàn tàu 4.0”. Điều này cho thấy, việc xây dựng một chiến lược quốc gia trí tuệ nhân tạo phù hợp nhất cho Việt Nam đã trở nên vô cùng cần thiết.

AI chưa thu hút nhiều DN trong nước

Phát biểu tại Hội thảo “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế năm 2019, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư - nhận định: Công nghệ kỹ thuật số, AI, Internet vạn vật, tự động hóa, dữ liệu lớn thực sự đang làm thay đổi tư duy, nhận thức, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cách thức giao tiếp của chúng ta. Nó thực sự dần trở thành động lực quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Kinh tế số đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới phát triển nhanh hơn để hướng tới xã hội văn minh, thịnh vượng.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế số cũng đòi hỏi những điều kiện không đơn giản, tạo ra không ít những thách thức về vấn đề lao động, việc làm, nhất là giảm dần lợi thế lao động giá rẻ do bị thay thế bởi máy móc. Với kinh tế số và AI, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ dư thừa lao động trong tương lai, gia tăng thất nghiệp, bất bình đẳng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, hiện chưa có báo cáo khảo sát chính thức về quy mô thị trường AI Việt Nam, các báo cáo về thị trường AI thế giới và khu vực cũng không có thông tin về nước ta. Thực tế, AI chưa trở thành hạng mục đầu tư thu hút nhiều DN Việt và nếu có cũng chỉ chiếm một phần không đáng kể. Điều đó cho thấy, thị trường AI Việt Nam hiện còn rất nhỏ và mức độ cam kết của các DN đóng góp vào thị trường này chưa rõ ràng. Song đây cũng là cơ hội mở ra cho các chủ thể có ý tưởng đi sâu vào lĩnh vực AI.

Ông Bùi Thế Duy phân tích thêm: Việt Nam có hạn chế là thị trường AI hiện tại quá nhỏ bé, nhưng mặt khác, nước ta lại có lợi thế vị trí địa lý rất gần với trung tâm AI của thế giới là Đông Bắc Á - nơi được dự báo là sẽ chiếm 50,32% lợi ích toàn cầu từ AI năm 2030. Như vậy, việc tìm ra các biện pháp khắc phục hạn chế và khai thác tốt lợi thế để tăng trưởng nhanh thị trường nội địa, xuất khẩu sản phẩm AI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nước ta. 

Chiến lược phát triển AI sẽ đưa nhiều nhân tài trở về nước

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng: Đối với thị trường AI nội địa, với vai trò vừa là người tiêu dùng lớn nhất, vừa là tác nhân có trách nhiệm dẫn dắt, phát triển nền kinh tế đất nước, Nhà nước cần là nhà đầu tư chiến lược vào những thành phần AI cốt lõi của quốc gia. Trước mắt là đầu tư xây dựng một cách công phu, bài bản Chiến lược AI quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam. Chiến lược này bao gồm việc xác định đúng quy mô, thị trường AI theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực phát triển thị trường đúng với kỳ vọng đó.

Đưa ra biện pháp hướng tới mục tiêu trong chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, ông Bùi Thế Duy đã nêu rõ các yêu cầu. Đó là: xác định đúng quy mô thị trường AI Việt Nam; xác định chính xác các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển AI; khảo sát, phân tích một cách khoa học nội dung chiến lược AI quốc gia của các nước trên thế giới, từ đó xây dựng chiến lược phát triển AI Việt Nam thông qua việc đặt hàng nghiên cứu phù hợp với chiến lược phát triển đất nước dài hạn của Chính phủ; quan tâm tới năng lực hội nhập toàn cầu của các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, nguồn nhân lực tài năng là nhân tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công phát triển AI và nền kinh tế số Việt Nam. Tóm lại, “AI - Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc để làm”, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Bùi Hải Nam - Giám đốc Điều hành Dự án PowerSell của Datamart - cho biết: Việc tập hợp dữ liệu là nền tảng để tạo ra giá trị cũng như triển khai các công việc khác. Với phương châm “có dữ liệu sẽ tạo ra giá trị”, Datamart đã nỗ lực thu thập các nguồn dữ liệu có sẵn, tối ưu thế mạnh về thu thập và phân tích, nghiên cứu dữ liệu. Trong quá trình đó, nhân lực là yếu tố cốt lõi. Việc đầu tư phát triển nhân lực có chuyên môn và đạo đức tốt, không chỉ biết tạo ra sản phẩm AI mà còn đảm bảo sử dụng nó hiệu quả cần trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển AI của Việt Nam.

Ông Nam cũng nêu rõ, “nhân sự là nỗi đau của startup”, rất nhiều tài năng không về nước làm việc vì e ngại không có được môi trường phù hợp. Ngoài nghiên cứu toán cơ bản, toán ứng dụng chính là một trong những nền tảng góp phần đưa AI ở Việt Nam phát triển. Nếu có thể xây dựng thêm các viện nghiên cứu về toán ứng dụng, đáp ứng nhu cầu trong nước, từ đó đưa được các vấn đề của DN, nền kinh tế giải quyết bằng AI, thì sẽ có rất nhiều nhân tài trở về nước - Giám đốc Điều hành Dự án PowerSell chia sẻ.

Bàn thêm về vấn đề đào tạo nhân lực, ông Phạm Nam Long - Giám đốc Điều hành Abivin - nhận định, AI sẽ là công cụ góp phần giúp các DN hiện thực hóa mong muốn, cơ hội để có bước phát triển vượt bậc. Về giáo dục kỹ thuật, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn có hệ thống các trường chuyên rất tốt về toán cũng như các môn tự nhiên. Đây chính là nguồn phát triển nhân lực AI cho Việt Nam và thực tế đã có rất nhiều các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu lĩnh này ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, khi lên đến bậc đại học và nhất là cấp nghiên cứu, chúng ta cần có nhiều thay đổi để ngành toán học, ngành nghiên cứu cơ bản ứng dụng trở thành xu hướng ở Việt Nam.

AI được nhận định sẽ hiện diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và tất nhiên, viễn cảnh thất nghiệp, phân chia giàu nghèo, tội phạm công nghệ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, AI cũng sẽ là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201