Thứ Sáu, 26/4/2024 - 00:09:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu

THỨ BẢY, 17/07/2021 01:19:26 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với một số Bộ, Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam và các đối tác quốc tế tổ chức Đối thoại quốc gia lần thứ hai về Hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) của Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Đối thoại - Ảnh: VGP


Sự kiện này nhằm hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh năm 2021 của LHQ về Hệ thống LTTP dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội, sinh kế cho hơn 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia (năm 2020). Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,68% trong năm 2020.

Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh LTTP cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống LTTP toàn cầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD; 6 tháng năm 2021 đạt 24,23 tỷ USD.

Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống LTTP thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, ở một số vùng mặc dù là xuất khẩu nông sản như Tây Nguyên nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn rất cao, rõ ràng hệ thống thực phẩm có yếu tố chưa bền vững. Đặc biệt, ngay trong sản xuất cũng có nhiều yếu tố chưa thực sự bền vững như sử dụng hóa chất, thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường nước, thoái hóa tài nguyên rừng…

Trước những thách thức mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối diện, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, nếu không giải quyết sẽ đặt quốc gia vào tình trạng rủi ro không thể hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là lúc để ngành nông nghiệp tự chuyển đổi sang trạng thái xanh, bền vững và bao trùm hơn. WB và các đối tác phát triển khác sẵn sàng cộng lực với Chính phủ và khối tư nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống LTTP. Qua đó giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối; đồng thời, kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng.

Theo Ban tổ chức, tiếp nối Đối thoại quốc gia lần thứ nhất và ba cuộc Đối thoại kỹ thuật ở miền Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, Đối thoại lần thứ hai này tổng hợp các ý kiến và hoàn thiện báo cáo gửi Ban Thư ký LHQ, chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh năm 2021. Nhiều mục tiêu hành động được tập trung thảo luận tại các cuộc Đối thoại, trong đó cam kết thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững được nhiều chuyên gia đề cập.
LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201