Thứ Năm, 25/4/2024 - 09:22:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhiều bất cập làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước

THỨ HAI, 27/05/2019 08:10:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Giao dự toán thu chưa sát; tình trạng kê khai thiếu thuế, trốn, nợ đọng thuế chưa được khắc phục; giải ngân vốn đầu tư chậm; quản lý, sử dụng vốn đầu tư còn nhiều bất cập; chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương (NSĐP) lớn làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách... là những bất cập nổi lên theo đánh giá của KTNN và cơ quan thẩm tra đối với Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 vừa được Chính phủ trình Quốc hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2017. Ảnh: Văn Điệp  - TTXVN

Nợ đọng, kê khai thiếu thuế chưa được khắc phục

Thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTC-NS) của Quốc hội đánh giá, thu NSNN vượt dự toán 6,7%, tương ứng 81.447 tỷ đồng, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp. Tuy nhiên, việc lập và giao dự toán chưa sát thực tế, dẫn đến một số khoản thu vượt dự toán khá lớn song nhiều khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán; tăng thu chủ yếu từ đất và dầu thô...; một số khoản thu lập, giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện nên ngân sách T.Ư hụt thu năm thứ ba liên tiếp, tiếp tục có 33/63 địa phương hụt thu cân đối, tăng thêm so với năm 2016 là 21 địa phương. 

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ rõ, quyết toán thu NSNN đạt mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, kết quả tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại DN. Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, thu nội địa chỉ đạt 98,15% dự toán.

Đáng chú ý, việc kê khai nộp thuế của DN vẫn diễn ra nhiều sai phạm nên qua thanh tra, kiểm tra thuế tại 103.211 DN đã truy thu nộp NSNN hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2016. Qua kiểm toán cho thấy, tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Qua kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp tăng thêm 19.858 tỷ đồng. Đặc biệt qua đối chiếu thuế 3.171 DN ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỷ đồng tại 2.921 DN, chiếm 92,1% DN đối chiếu.

 
Theo UBTC-NS, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2017 thấp so với các năm trước. Đáng lưu ý, tỷ lệ thực hiện kiến nghị tăng thu về thuế, phí và thu khác của khối DN đạt thấp nhất, dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị chung giảm mạnh, giảm hiệu lực kiến nghị kiểm toán. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan để nâng cao hơn nữa tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán...
Theo Chủ nhiệm UBTC-NS Nguyễn Đức Hải, kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy số truy thu thuế có xu hướng gia tăng khi diện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mở rộng. Vì vậy, để ngăn chặn việc kê khai thiếu, không chính xác số thuế phải nộp, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc truy thu số thuế thiếu cần áp dụng phù hợp các chế tài xử lý, kể cả áp dụng Bộ Luật Hình sự. Đối với KTNN, cần phối hợp với cơ quan thuế để xử phạt theo quy định, tương ứng với số thuế KTNN tính tăng thêm. 

Liên quan đến vấn đề nợ đọng thuế, cơ quan thẩm tra cho biết, mặc dù số nợ thuế có khả năng thu giảm 6.416 tỷ đồng, âm 12,5% so với năm 2016, song tổng số nợ thuế tăng 681 tỷ đồng so với năm 2016 và bằng 7,59% số thực thu nội địa năm 2017, chưa đạt mức phấn đấu là dưới 5%, đặc biệt có 55/63 địa phương không đạt mức phấn đấu, trong đó có 6 địa phương có tỷ lệ dư nợ thuế trên 20%.

Giải ngân vốn đầu tư chậm, chi chuyển nguồn lớn

Về chi NSNN, bên cạnh những bất cập trong công tác phân bổ, giao dự toán, tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định là những bất cập đã tái diễn nhiều năm song tiếp tục được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh. 

Theo đó, trong khi ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây, chỉ đạt 86,3%. Đồng thời, vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền; phê duyệt dự án chưa đúng quy định...

Đáng chú ý, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác vẫn chưa được khắc phục. Có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 - 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần. Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chậm, còn 1.814 dự án chậm phê duyệt quyết toán - chiếm 23,4% dự án hoàn thành; 6.642 dự án quá hạn chưa nộp báo cáo quyết toán - chiếm 50,9% tổng số dự án hoàn thành, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của KTNN cũng đánh giá: Còn nhiều sai sót trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: chi giáo dục đào tạo chỉ đạt 95,1% dự toán; chi khoa học công nghệ đạt 82,3%; chi lương hưu bảo đảm xã hội đạt 93,1% dự toán...; đồng thời vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi. Đặc biệt, qua giám sát cho thấy, số chi chuyển nguồn và kết dư NSĐP của hầu hết các địa phương đều lớn và có xu hướng tăng, thể hiện hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách chưa cao.
 
Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 với tổng số thu cân đối NSNN 1.683.045 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư NSĐP năm 2016 và thu từ quỹ dự trữ tài chính của NSĐP theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi NSĐP để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng). Tổng số chi cân đối NSNN 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018). Bội chi NSNN 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 129.073 tỷ đồng).

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201