Thứ Bảy, 20/4/2024 - 14:10:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngân hàng số - ngân hàng của tương lai

THỨ HAI, 18/03/2019 14:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Việc trở thành ngân hàng số đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng trên toàn cầu và tất nhiên, các ngân hàng tại Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực để hướng tới mục tiêu này. Theo PwC, ngành ngân hàng đang đối mặt với yêu cầu bắt buộc phải thay đổi xuất phát từ những yếu tố như: kỳ vọng của khách hàng, công nghệ, hành lang pháp lý, cơ cấu dân số và nền kinh tế. Để thành công, các ngân hàng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong áp dụng các công nghệ số và phân tích dữ liệu nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình kinh doanh và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Ngân hàng số được kỳ vọng sẽ thay thế mô hình truyền thống

Tại Hội thảo “Ngân hàng của Tương lai”, ông John Garvey - Lãnh đạo toàn cầu về Tư vấn Dịch vụ Tài chính của PwC - cho rằng, tương lai của ngành ngân hàng xoay quanh việc số hóa mạnh mẽ trải nghiệm khách hàng và mở rộng từ các dịch vụ ngân hàng truyền thống sang các dịch vụ “phong cách sống”, nhằm phục vụ các nhu cầu của khách hàng. Các ngân hàng sẽ cạnh tranh về công nghệ và đảm bảo rằng nhu cầu của khách hàng là nền tảng cốt lõi của mọi dịch vụ cung cấp.

Tại khảo sát toàn cầu năm 2018 của PwC về ngân hàng số, 15% số người được hỏi đã sử dụng điện thoại di động là phương tiện chính để giao dịch với ngân hàng (tăng 5% so với năm 2017). Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, các giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tại Việt Nam tăng 81%, trong khi các giao dịch trực tuyến tăng 67% so với năm trước đó. 

Theo đánh giá của PwC, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đã hoặc đang bắt đầu triển khai hệ thống ngân hàng lõi kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và thanh toán kỹ thuật số. Một số ngân hàng đã cho phép thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng ngân hàng di động, thậm chí chuyển tiền qua mạng xã hội hay rút tiền mặt từ ATM mà không cần thẻ. Việt Nam cũng đã có ngân hàng số sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đồng bộ hóa dữ liệu và hỗ trợ phân tích hành vi của khách hàng. 

Có thể nói, dù thực tế nhiều khách hàng vẫn gắn bó với ngân hàng truyền thống nhưng ngân hàng số có xu hướng phát triển rất nhanh và được kỳ vọng sẽ thay thế dần mô hình truyền thống.

Các ngân hàng Việt Nam nên bắt đầu như thế nào? 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Grant Dennis - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam - cho rằng, các ngân hàng cần tìm hiểu phong cách sống của từng khách hàng và nắm bắt được các nhu cầu của họ. Cụ thể, khi khách hàng có thể có nhu cầu mua xe hơi, mua căn hộ hay lập gia đình… ngân hàng phải là đơn vị hỗ trợ khách hàng đạt được các mục tiêu cá nhân đó thông qua các dịch vụ như: tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm nhân thọ hay các sản phẩm của bên thứ ba. Hơn nữa, các ngân hàng cần hiểu được nhu cầu của khách hàng và đưa ra các dịch vụ tương ứng từ trước khi khách hàng nhận thức được mình muốn gì hay thể hiện mong muốn đó.

Các chuyên gia hàng đầu của PwC đều đồng ý rằng, ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng có thể thu thập được các thông tin quan trọng về khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu một cách chủ động. Họ có thể tự ứng dụng các công nghệ phân tích dữ liệu thông minh hoặc hợp tác với các công ty fintech hay các nhà cung cấp khác để thực hiện điều này. Cụ thể, bằng cách kết hợp và phân tích dữ liệu từ các bộ phận khác nhau trong ngân hàng và từ nguồn bên ngoài, các ngân hàng có thể nhận định các vấn đề như: những khách hàng nào có khả năng mang lại giá trị lớn nhất trong tương lai; những kênh nào cung cấp các cơ hội tăng trưởng lớn nhất; các ngân hàng có thể tăng giá trị khách hàng thông qua những cách thức nào; mức phí nào là phù hợp nhất để khách hàng sẵn sàng trả cho một sản phẩm... Qua đó, các ngân hàng có thể phân loại và hiểu rõ khách hàng, tạo cơ sở để phát triển và duy trì các mối quan hệ lâu dài, có giá trị cao.

Đưa ra khuyến nghị cho các ngân hàng Việt Nam, bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam - cho rằng, ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua các bước chuyển đổi lớn từ việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản trị rủi ro nâng cao. Các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt và có một chiến lược triển khai rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội thành công và thu lợi ích từ việc chuyển đổi này. Hơn nữa, mặc dù các công nghệ hiện có trên thị trường cho phép các ngân hàng đổi mới mạnh mẽ, nhưng không phải tất cả các công nghệ đều được các cơ quan quản lý cho phép. Do đó, các ngân hàng nên chủ động hợp tác với các cơ quan quản lý để xây dựng một hành lang pháp lý có khả năng thúc đẩy sự đổi mới và niềm tin của người tiêu dùng.

Theo ông Đỗ Danh Thanh - Giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin của PwC, hiện có 3 cách thức tiếp cận chính mà PwC đã đúc kết được khi thực hiện chuyển đổi số tại các ngân hàng: Phương pháp thứ nhất, thành lập một bộ phận kỹ thuật số dưới sự quản lý của giám đốc điều hành và tham gia toàn bộ trong qua trình chuyển đổi. Với lợi thế tham gia trực tiếp và am hiểu khách hàng, phương pháp này lấy khách hàng là cốt lõi và nhanh chóng đưa trải nghiệm số đến với khách hàng của mình. Phương pháp thứ hai, thành lập một tổ chức tách biệt với ngân hàng truyền thống cũ. Với sự tách biệt đó, ngân hàng số sẽ tập trung vào khả năng sáng tạo và thử nghiệm để tạo ra những xu hướng mới và áp dụng quy mô lớn hơn tại tổ chức ban đầu. Phương pháp thứ ba, xây dựng bộ phận chuyển đổi tích hợp với trách nhiệm giải quyết nhu cầu khách hàng hiện tại bằng các giải pháp số hóa. Với cách thức này, ngân hàng hoàn toàn tập trung vào nhu cầu khách hàng và có thể kết hợp với các công ty khởi nghiệp về fintech để triển khai các giải pháp đã chứng thực hiệu quả. 

Thực tế, mỗi phương pháp tiếp cận vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng đây là những cách thức khả thi đã mang lại thành công cho nhiều ngân hàng trên toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là hội đủ các động lực và là thị trường tiềm năng để chuyển đổi ngân hàng số. Vì vậy, để thực hiện điều này, các ngân hàng cần bắt đầu từ việc xây dựng tầm nhìn và chiến lược số hóa, từ đó đánh giá lại hiện trạng và chọn lựa phương pháp tiếp cận thích hợp để hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi với những mục tiêu thật cụ thể gắn liền với hiệu quả kinh tế.
 
Tại châu Á, hơn 30 tổ chức ngân hàng đã triển khai thành công mô hình ngân hàng số, cụ thể như: DBS (Singapore), Shinhan Bank (Hàn Quốc), CBA (Australia), Jibun Bank (Nhật Bản)… Timo (được bảo trợ bởi VPBank) là ngân hàng số duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
Ngoài ra, tại các ngân hàng như: VietinBank, Vietcombank, OCB… dịch vụ ngân hàng số thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng ngân hàng di động đã được triển khai. Các ngân hàng như: Techcombank, VIB... cũng mới triển khai dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội, rút tiền mặt từ máy ATM mà không cần thẻ.
 
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201