Thứ Bảy, 27/4/2024 - 09:53:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Logistics Việt Nam: Nỗ lực phát triển nhưng vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng

THỨ HAI, 11/03/2019 09:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Trước yêu cầu tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát triển ngành logistics với mục đích tăng sức cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí hàng hóa ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ngành logistics Việt Nam hiện vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng để chiếm lĩnh thị trường, chưa chuyển mình bứt phá trong thời kỳ mới do cơ sở hạ tầng yếu cũng như thiếu nhân lực có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản.


Hệ thống logistics của Việt Nam vẫn còn yếu, nhỏ lẻ và chưa có sự liên kết - Ảnh tư liệu

Rào cản đến từ chi phí

Tại Hội thảo “Hội nhập quốc tế: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam” do Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Năm 2018, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, xếp thứ 39/160 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Mặc dù vậy, logistics tại Việt Nam vẫn là loại dịch vụ vô cùng đắt đỏ. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa, dẫn đến tình trạng quá tải và ùn ứ. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo và cứng nhắc, làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa. Sự phát triển thiếu quy hoạch và thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng như: kho, bãi, trung tâm logistics khiến cho vận tải biển nội địa chưa phát huy được hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ cũng như giảm chi phí logistics ở Việt Nam.

GS,TS. Đặng Đình Đào - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - cho biết: Thị trường logistics Việt Nam tăng trưởng khoảng 14 - 16%/năm, quy mô thị trường đạt gần 43 tỷ USD, chiếm khoảng 0,5% thị trường logistics thế giới. Tuy nhiên, hệ thống logistics Việt Nam hiện nay vẫn yếu, nhỏ lẻ và chưa có sự liên kết. Cơ sở hạ tầng về mặt bằng, bến bãi, cảng biển bị chia cắt bởi nhiều dự án theo kiểu “phân lô, chia nền” hạ tầng về giao thông, thương mại… dẫn đến hiệu quả khai thác kém và chưa tạo được hành lang cho vận tải đa phương thức phát triển, giá thành logistics cao, khả năng cạnh tranh kém. 

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (CIEM), vận tải đường bộ là phương thức vận tải đắt đỏ nhất khi xăng dầu chiếm 30 - 35%, phí BOT chiếm 10 - 15%..., trong khi vận tải biển, vận tải đường sắt có chi phí thấp hơn lại chưa được chú trọng. Thêm vào đó, chi phí không chính thức lại chiếm từ 5 - 10% chi phí vận tải, bao gồm: chi phí cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thị trường... Điển hình cho thực tế chi phí cao, bà Nguyễn Minh Thảo dẫn chứng: Để vận chuyển đường bộ một container 40fit từ TP. HCM đi Tân Thanh (Lạng Sơn), DN phải chịu chi phí 5,8 triệu đồng, nhưng đi từ TP. HCM đến Califonia (Mỹ) bằng đường biển chỉ mất 200 USD (khoảng 4,6 triệu đồng). 

 Theo thống kê, Việt Nam chỉ có khoảng 21% DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 34% và Malaysia là 46%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu và tiềm năng để các DN Việt Nam phân phối hàng hóa toàn cầu là rất lớn, nhưng để tận dụng được cơ hội này, các DN logistics trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa. Hiện nay, đa số DN logistics nội địa đang hoạt động có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa. Trong khi đó, các DN FDI thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp - không chỉ đơn thuần là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác.

Cần ưu đãi cho doanh nghiệp logistics nội và đầu tư vào nhân lực

Xác định logistics là một ngành dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế nói chung và thương mại nói riêng, thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đã có nhiều chỉ đạo thúc đẩy ngành dịch vụ này phát triển. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 200/QĐ-TTg thông qua Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP... Tiếp đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu nâng xếp hạng hiệu quả logistics lên 5 - 10 bậc trong giai đoạn từ năm 2019-2021.

Đề cập đến mục tiêu tăng xếp hạng của logistics Việt Nam, ông Lê Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận Việt Nam - cho rằng, nếu chỉ là giải pháp để nâng thứ hạng thì không quá khó, vấn đề quan trọng hơn là cần những giải pháp mang lại lợi ích thực chất cho DN. Cụ thể, các thủ tục hành chính nhiêu khê cho DN cần được xóa bỏ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động logistics... Đặc biệt, các DN logistics Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vì thế trong cơ chế chính sách cần có ưu đãi (thuế, phí) nhằm giúp họ nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để logistics Việt Nam có thể phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đầu tư về cơ sở hạ tầng logistics, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, nhân lực logistics thiếu khoảng 717.000 người, song các chuyên gia cho rằng, số thiếu hụt trên thực tế có thể lên đến gần 2,8 triệu người. Trong khi đó, việc đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học đang gặp nhiều bất cập, chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên ít, phần thực hành về ngành nghề cũng không đầy đủ… 

GS,TS. Đặng Đình Đào cũng đưa ra nhận định: Việt Nam có đến 54,7% nhân lực logistics qua đào tạo nhưng chuyển từ các ngành khác sang và 80% số nhân lực này do các DN tự đào tạo. Điểm yếu lớn nhất là người làm logistics phần lớn lại là “tay ngang” đến từ ngành khác, khi về DN mới gấp gáp tham gia các khóa đào tạo do DN mở. Trong khi đó, 325 khu công nghiệp hiện có trên cả nước lại không có lấy một khu công nghiệp logistics nào. Để cải thiện tình trạng trên, theo GS,TS. Đặng Đình Đào, logistics cần được công nhận là một nghề và có cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hợp tác với các tổ chức nước ngoài để tiến hành các dự án, khóa đào tạo logistics.

Đưa ra giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics, GS,TS. Hoàng Đức Thân - Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, Việt Nam cần lấy chất lượng làm mục tiêu, người học làm trung tâm và phải đáp ứng được thị trường lao động trong nước và quốc tế. Các trường đại học cần chú trọng đào tạo những kiến thức về quản trị hệ thống logistics, quản trị kinh doanh hiện đại để tạo ra nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, thích nghi được với sự phân công lao động quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bản thân ngành logistics là một ngành kinh tế đặc thù, do đó, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực ngành này. Chúng ta cần công nhận logistics là một nghề, qua đó tăng cường đào tạo để tiến tới cấp chứng chỉ nghề logistics theo bộ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

BẮC SƠN
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201