Thứ Bảy, 4/5/2024 - 13:28:28 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Làm rõ trách nhiệm, xử lý triệt để các dự án thua lỗ

THỨ NĂM, 17/11/2016 14:00:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của một số “siêu” dự án là chủ đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội nhiều lần nêu lên từ đầu kỳ họp. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vấn đề trách nhiệm của Bộ chủ quản, các cơ quan liên quan cũng như các giải pháp xử lý đối với các dự án này tiếp tục được các đại biểu quan tâm và yêu cầu làm rõ.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về các dự án thua lỗ, kém hiệu quả  Ảnh: VPQH

5 dự án đã không còn hiệu quả kinh tế

Mở màn phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ hơn những sai phạm liên quan đến sự thua lỗ và kém hiệu quả của những siêu dự án do DNNN đầu tư và do Bộ quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan quản trị tại DN khi xây dựng các dự án kém hiệu quả. Đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đầu tư tại DN và những kiến nghị để khắc phục bất cập, tránh lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như thời gian vừa qua.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) yêu cầu, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra giải pháp xử lý sớm các dự án sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả; làm rõ và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân đối với việc lập lại trật tự, kỷ cương về đầu tư công…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu câu hỏi: "Là Bộ nắm giữ nhiều tập đoàn, tổng công ty và tài sản lớn của Nhà nước, để xảy ra tình trạng thất thoát, thua lỗ tại 5 dự án lớn và một số quan ngại khác mà một số đại biểu đã nêu, với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì vừa căn cơ, vừa táo bạo để bảo tồn vốn, phát triển mạnh mẽ DN, thực hiện cho được mục tiêu và yêu cầu là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo?". 

Trả lời chất vấn của các đại biểu xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ về 5 dự án đầu tư này. Theo đó, cả 5 dự án này đều được phê duyệt từ khoảng năm 2003 đến 2008, trên nhiều lĩnh vực gồm xơ sợi, đạm, gang thép, ethanol. Vì tính chất đặc thù của ngành, lĩnh vực và tính chất của các dự án khác nhau, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thua lỗ, nên khó đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, qua phân tích cho thấy các dự án này đều có nhiều vấn đề. Tất cả các dự án đều có thời gian thực hiện kéo dài hơn so với thời hạn đã được phê duyệt, như dự án Xơ sợi Đình Vũ và Xăng ethanol, Đạm Ninh Bình... Thậm chí, dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài mà đến nay còn không quyết toán đầu tư được, dù nhà máy đã đi vào vận hành. Do thời gian thực hiện kéo dài nên các dự án đều trải qua những biến động của thị trường: Thị trường nguyên nhiên liệu có biến động, dầu thô từ mức trên 100 USD/thùng, thậm chí 147 USD/thùng (trước năm 2008), đến nay đã giảm chỉ còn hơn 40 USD/thùng nên tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, tính khả thi của dự án. Các dự án Đạm Ninh Bình và Xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận, đã có những tồn đọng, thậm chí là có những vi phạm trong quản trị, quản lý, trong khi năng lực của chủ đầu tư hạn chế. Ngoài ra, còn do hạn chế trong năng lực của nhà thầu và ban quản lý dự án, năng lực trong đàm phán ký kết... Chính sự hạn chế về nguồn nhân lực đã dẫn đến sự kéo dài các dự án, việc thực hiện không suôn sẻ, không hiệu quả, thậm chí trong nhiều dự án không thực hiện đúng quy định của hợp đồng cũng như các nội dung của dự án đầu tư đã được phê duyệt. Các dự án có tổng mức đầu tư lớn, có yếu tố nước ngoài và mặc dù phải có sự can thiệp của các Bộ, ngành nhưng không mang lại hiệu quả. “Vì thế, tính đến nay, hiệu quả kinh tế của các dự án không còn, dù có vận hành thương mại thì cũng không đủ sức cạnh tranh, thậm chí doanh thu không bù được chi phí” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bảo toàn vốn và lợi ích, tài sản nhà nước

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần nghiên cứu tổng thể, phù hợp với khuôn khổ pháp lý, phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích, tài sản nhà nước, DNNN tại các dự án này. “Phải xem xét để làm rõ trách nhiệm và có hướng khắc phục một cách triệt để thông qua những quy định chung của pháp lý: Từ bán dự án, cho thuê hoặc tiếp tục có những phối hợp để cổ phần hóa hoặc giao lại trách nhiệm cho những DN để cùng khai thác hoặc tiếp tục hoàn chỉnh dự án để khai thác. Thậm chí có thể phải tuyên bố phá sản. Chính phủ sẽ chỉ đạo để có hướng giải quyết, tháo gỡ cũng như xử lý triệt để các dự án này”- Bộ trưởng cho biết.

Về trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đánh giá đúng vào những giai đoạn cụ thể để xem xét rõ trách nhiệm của các cấp, kể cả quản lý nhà nước cũng như của các DN, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, của các tổ chức và cá nhân, không loại trừ có sự cố tình làm sai. Điều đó sẽ được làm rõ trong thời gian tới vì một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số dự án mới có kết luận của KTNN, một số dự án có kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, một số dự án đang chịu thanh tra của Bộ Công Thương. “Các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự” - Bộ trưởng khẳng định. Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị DNNN, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý như tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể... trong thực hiện dự án.

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần có báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân và trách nhiệm cũng như giải pháp sắp tới.

N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201