Thứ Sáu, 29/3/2024 - 17:33:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Lạm phát đã được kiểm soát tốt

THỨ SÁU, 31/01/2020 09:15:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Năm 2019 tiếp tục là một năm thành công trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô với tất cả 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều được hoàn thành.

Đặc biệt, lạm phát năm 2019 đã được kiểm soát dưới 3% - thấp xa so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 4%. Nhìn nhận đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát năm 2019 không chỉ để khẳng định thành tích kiểm soát tốt lạm phát trong mấy năm gần đây mà quan trọng hơn là rút ra những kinh nghiệm và cảnh báo về nguy cơ lạm phát trong tương lai nhằm kiểm soát được lạm phát trước mọi biến động cả trong cũng như ngoài nước.

CPI tháng 11/2019 tăng vọt tới 0,96% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm gần đây chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Theo đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,74% (thực phẩm tăng tới 4,11%). Nhóm giao thông lại giảm 0,73% do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu ngày 31/10/2019 và điều chỉnh tăng ngày 15/11/2019. CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 11/2019 tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thịt lợn và thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi tiếp tục là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 12/2019 tăng tới 1,4% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của CPI tháng 12 trong 9 năm gần đây và là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2012 đến nay. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất tới 3,42%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 4,41% và ăn uống ngoài gia đình tăng 2,44%. Nhóm giao thông tăng 0,61% do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 30/11/2019 và điều chỉnh giảm ngày 16/12/2019.

Rõ ràng, lạm phát theo tháng năm 2019 cho thấy:

Thứ nhất, điều hành linh hoạt giá xăng dầu theo giá quốc tế đã góp phần tích cực vào kiềm chế, kiểm soát lạm phát cả năm.

Thứ hai, việc điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục đã hợp lý hơn hẳn cả về mức độ cũng như phạm vi và thời điểm điều chỉnh nên tác động không lớn tới lạm phát và khả năng kiểm soát lạm phát.

Thứ ba, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lương thực thực phẩm vẫn đóng vai trò chi phối diễn biến CPI và lạm phát nên cần tập trung kiểm soát giá hơn nữa trong những năm tới nhằm kiểm soát lạm phát.

Thứ tư, giá thịt lợn tăng đột biến do giảm nguồn cung bởi dịch tả lợn châu Phi đã gây bất ngờ vào cuối năm 2019 do lỗi nhận định và đánh giá tác động đến CPI thiếu chính xác cũng như thiếu biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá cho kiểm soát giá thịt lợn nói riêng, giá thực phẩm và giá các mặt hàng thiết yếu khác nói chung trong những năm tới. 

Kết quả là tuy CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018 - mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua song CPI tháng 12/2019 lại tăng tới 5,23% so với tháng 12/2018. Hồi chuông cảnh báo lạm phát đã được gióng lên từ tháng 12/2019 khi CPI tính theo cuối kỳ đã vượt ngưỡng 5% được thiết lập ổn định kể từ năm 2014 (nếu không chuyển sang giao chỉ tiêu tăng CPI bình quân thì thậm chí chỉ tiêu CPI năm 2019 đã bị vượt). Theo đó, quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây.

Tóm lại, kiểm soát tốt lạm phát năm 2019 là thành công không thể phủ nhận, để lại nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích cho những năm tiếp theo, song dấu hiệu lạm phát nóng trở lại từ cuối năm 2019 do cả yếu tố giá cả thị trường lẫn yếu tố tiền tệ buộc chúng ta phải hết sức cảnh giác để bảo vệ bằng được thành quả kiểm soát lạm phát đã giành được trong mấy năm gần đây.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201