Thứ Tư, 24/4/2024 - 16:14:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

THỨ BA, 07/05/2019 09:10:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Ngày 6/5, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng dự hội nghị có các Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nhiều chuyên gia kinh tế.

Quang cảnh hội nghị- Ảnh: enternews.vn

Từ ý kiến gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không cần nói thành tích, mà đi sâu vào hạn chế, yếu kém để tìm ra giải pháp, nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm nghẽn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có vấn đề thiếu kết nối về hạ tầng giao thông.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM, vấn đề giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là hai vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, để tạo động lực cho phát triển vùng, cần lồng ghép chính sách đặc biệt để phát triển quy hoạch hệ thống giao thông; có bộ phận nghiên cứu trực tiếp nhằm tham mưu phát triển vùng chứ không kiêm nhiệm như hiện nay.

Ông Lịch cho rằng, các Vùng không kết nối được là do giao thông kết nối. Phát triển chuỗi vùng đô thị mà không có giao thông kết nối là thất bại. "Tôi đi từ Lào Cai, Yên Bái đến Vân Đồn đường cao tốc sướng lắm. Tâm tư là vùng kinh tế này làm sao có cao tốc như vậy để phát triển. Hiện các đường vành đai ở Vùng kinh tế trọng điểm chưa kết nối được, các đường cao tốc chưa được bao nhiều”- ông Trần Du Lịch cho hay.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra so sánh: đóng góp giá trị GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lớn hơn của 3 vùng cộng lại. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra đầu vào mất cân đối. 10km2 đất ở TP.HCM mới chỉ có 2km đường, phải xây dựng 50 năm nữa thành phố mới đủ đường giao thông. “Hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ có khoảng 91km đường cao tốc, chỉ bằng 11% cao tốc cả nước; doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hóa vận tải gấp 5 lần nhưng hạ tầng phát triển chưa tương xứng, về lâu dài là không ổn, đường chật, nhà chật thì không thể thu hút bền vững”- ông Nhân nói.

Chủ tịch HĐQT Becamex IDC Bình Dương Nguyễn Văn Hùng băn khoăn: "Những mục tiêu- định hướng lớn, quy hoạch tương lai của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã rất rõ nét, những cơ hội và thách thức đã tỏ tường, nhưng tại sao nhiều dự án của Vùng vẫn chưa thể triển khai hiệu quả? Tại sao những điểm cốt lõi và vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối… vẫn chưa thể tiến hành nhanh chóng?". Sau những câu hỏi đặt ra, người đứng đầu Becamex IDC kiến nghị phải có cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho Vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp- đô thị.

"Cùng với đó là cơ chế điều phối Vùng cần phải có sự phân cấp phân quyền mạnh hơn, cụ thể, thực chất, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan, có thể trực tiếp chỉ đạo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để bổ sung hỗ trợ TP. HCM và các tỉnh, đưa ra những quyết định quyết liệt, những quả đấm thép thì mới có thể tạo bứt phá"- ông Hùng đề xuất.

Đồng tình với nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương và chuyên gia kinh tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng giao thông hiện nay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là điểm nghẽn của khu vực. Trong đó có nghẽn về hàng không do sân bay quá tải, nghẽn ở cảng biển, nhất là đường bộ đang tắc nghẽn nghiêm trọng.

Ông Thể cho biết: “Hiện ngành giao thông đang tập trung xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nâng cấp sân bay Côn Đảo đề tiếp nhận tàu bay lớn hơn; sân bay Long Thành đầu 2021 phải khởi công. Để xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng cần tập trung các nguồn lực. Trong đó cần được Quốc hội thông qua nguồn vốn lớn, huy động nguồn vốn địa phương. Chứ trông chờ vào Trung ương thì điểm nghẽn giao thông sẽ kéo dài”.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn. Liên kết giữa các địa phương, vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm, cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học hợp lý. "Để phát triển kinh tế vùng, các địa phương cần phối hợp, tận dụng cách mạng 4.0 để nâng cao tay nghề lao động, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; đặc biệt tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề giao thông, Thủ tướng chỉ đạo, năm 2020 phải khởi công xây dựng sân bay Long Thành, trong khi đó đường cao tốc TP.HCM- Mỹ Thuận- Cần Thơ cần hoàn thành vào năm 2021.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng. Phối hợp với các địa phương kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức PPP, tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng. Kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với phát triển đô thị bảo đảm công khai, minh bạch để tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư.
 
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. Năm 2018, tổng GRDP của vùng này đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016- 2018 của vùng đạt khoảng 6,72%; thu nhập bình quân đầu người của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 5.474 USD/ người năm 2018, gấp 2,12 lần so với bình quân của cả nước.
 

PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201