Thứ Năm, 25/4/2024 - 17:33:16 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Giáo dục tài chính - nền tảng để phát triển tài chính toàn diện

THỨ HAI, 20/05/2019 14:34:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Giáo dục tài chính (GDTC) là một quá trình mà trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư được cải thiện sự hiểu biết về các khái niệm, sản phẩm và rủi ro tài chính, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm thay đổi một cách hiệu quả tình trạng tài chính của mình. Bên cạnh sự phát triển các dịch vụ ngân hàng và chính sách tài chính vĩ mô, GDTC được xem là một trong ba điều kiện nhằm phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia. Mặc dù vậy, công tác GDTC này tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Người dân còn hạn chế về kiến thức tài chính

Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính đến năm 2015, có 59 quốc gia đã và đang xây dựng chiến lược GDTC với tư cách là chiến lược quốc gia nhằm đóng góp vào sự phát triển tài chính toàn diện và đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, tính đến năm 2016, có 5 quốc gia đã thiết kế và triển khai các chiến lược GDTC toàn diện, trong đó, Malaysia và Singapore là những nước tích cực nhất. Điều đáng tiếc, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa nằm trong nhóm các quốc gia kể trên.

Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá, Việt Nam chỉ đứng vị trí 103/144 quốc gia về mức độ sẵn có đối với dịch vụ tài chính và chỉ 24% người trưởng thành được xếp vào nhóm có trình độ dân trí về tài chính ở mức cao. Còn theo một khảo sát khác vào năm 2013, chỉ có khoảng 51% người dân tự nhận xét mình có hiểu biết tài chính, còn lại 42,5% người dân cho rằng mình chỉ biết đại khái và 6,5% hoàn toàn không hiểu gì về hình thức mua sắm, vay tiêu dùng. Việc người vay không hiểu biết một cách hệ thống về kiến thức tài chính tín dụng đã dẫn đến tình trạng rất nhiều người dân bị dính bẫy tín dụng đen, không phân biệt được sự khác nhau giữa công ty tài chính và vay tín dụng đen. 

Về hành vi tài chính, khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng sản phẩm tài chính chính thức ở mức khá thấp, trong khi giao dịch tài chính phi chính thức chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ 51% số người được hỏi đã nghe và hiểu về cụm từ cho vay khách hàng cá nhân. Một cuộc khảo sát ở 7 trường trung học của TP. HCM với đối tượng học sinh từ 13 - 18 tuổi thu được kết quả như sau: chỉ có 17,2% số học sinh biết tiết kiệm và chi tiêu một phần tiền có được; 8,8% chi tiêu toàn bộ số tiền có được và số còn lại không biết tiêu tiền hoặc tiết kiệm. Những con số trên đã lý giải cho việc tại sao tính đến năm 2017, chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng ở vị trí 22/37 tại khu vực châu Á.

Theo ThS. Lương Minh Hà - Học viện Ngân hàng, những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu có những chương trình GDTC cho một số tầng lớp, thành phần cụ thể. Ngoài ra, Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới và các đối tác lựa chọn là một trong các quốc gia ưu tiên tập trung cho các nỗ lực về phổ cập tài chính trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020. Bản thân các nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính nội địa cũng đang chủ động trong việc tổ chức các khóa học cung cấp kiến thức tài chính cho khách hàng là các đối tượng khác nhau như: học sinh, người tiêu dùng trưởng thành. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, những chương trình trên vẫn rất sơ khai, quy mô khiêm tốn, chưa đồng bộ và theo một lộ trình cụ thể, thống nhất trên phạm vi toàn quốc để hướng tới hiểu biết của cộng đồng trên diện rộng. 

Cần một chiến lược phổ cập dân trí về tài chính 

Theo ThS. Ngô Ánh Nguyệt - Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh: Để nâng cao dân trí tài chính, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước một cách bền vững, Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần tổ chức khảo sát tổng thể cấp quốc gia về tình trạng dân trí tài chính mang tính thường kỳ để đánh giá tác động, ảnh hưởng, vai trò của GDTC trong phát triển tài chính toàn diện.

Thứ hai, xây dựng một khung chương trình giảng dạy quốc gia về GDTC nhằm hình thành năng lực hiểu biết tài chính cơ bản (kiến thức, hành vi, thái độ về tài chính) cho thế hệ trẻ, những người trưởng thành chưa có kiến thức tài chính, những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ tài chính. Theo đó, chiến lược sẽ thiết lập một chương trình giảng dạy GDTC xuyên suốt và liên tục các cấp học với mục tiêu hình thành kiến thức tài chính vững mạnh và có hệ thống, định hình thói quen tốt cho thế hệ trẻ, đồng thời gắn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tài chính với chương trình quốc gia khởi nghiệp.

Thứ ba, việc đào tạo, truyền thông phổ cập dân trí về tài chính cần gắn kết với các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện đại đa phương tiện. Để làm điều này, Chính phủ cần thúc đẩy chính sách phát triển và huy động ngân sách cho các chương trình GDTC toàn dân.

Thứ tư, việc phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng hiện đại cần gắn liền với nâng cao trình độ về tài chính cho mọi tầng lớp dân cư. Trong đó, các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm xã hội về đào tạo, nâng cao trình độ dân trí về sử dụng các công cụ tài chính, sử dụng vốn cho nhân dân, coi việc đào tạo, huấn luyện về tài chính, tín dụng là giải pháp minh bạch về tài chính - tránh tình trạng người đi vay không đọc, không hiểu các nội dung, điều khoản trong hợp đồng tín dụng mà vẫn ký khi vay vốn. 

ThS. Lương Minh Hà cũng nêu quan điểm: Chiến lược GDTC cho toàn dân cần hướng đến những đối tượng khác nhau, chú trọng đến người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động nghèo; lồng ghép chương trình phổ cập kiến thức tài chính với các chương trình an sinh xã hội. Thêm vào đó, GDTC cần song hành với việc bảo vệ quyền lợi người sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính thông qua các văn bản pháp luật chính thức, từ đó hạn chế các rủi ro, thiệt hại cho người dân.

Nêu thêm ý kiến về giải pháp cho GDTC, ThS. Hoàng Trung Đức - Học viện Tài chính - cho rằng: Sử dụng tiền mặt để thanh toán đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều DN. Vì vậy, muốn thay đổi thói quen này, người dân phải được hiểu rõ những tiện ích của các sản phẩm dịch vụ tài chính để từ đó sử dụng thường xuyên hơn. Ngoài ra, đại đa số người dân Việt Nam đều có điện thoại di động, việc triển khai dịch vụ tin nhắn vừa giúp các tổ chức tín dụng nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, vừa giúp cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, cải thiện được chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí, giảm thiểu công sức đối chiếu, thời gian và việc đi lại. Dịch vụ tin nhắn trên điện thoại cũng tác động đến ý thức vay nợ, trách nhiệm trả nợ, gửi tiết kiệm của khách hàng, qua đó mọi tầng lớp xã hội sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính hiện đại, nâng cao trình độ nhận thức đối với dịch vụ tài chính và trở thành nền tảng cho xã hội phát triển.

THÙY LÊ

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201