Thứ Năm, 02/5/2024 - 07:08:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đưa vấn đề thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế vào Kế hoạch kiểm toán năm 2018

THỨ HAI, 11/09/2017 08:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 400/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp mới đây về vấn đề Quỹ BHYT và việc đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc BHYT do BHXH Việt Nam thực hiện. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, việc thực hiện chính sách BHYT phải được KTNN thực hiện kiểm toán trong năm 2018.

Quỹ BHYT đứng trước nguy cơ bội chi lớn…

Yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đưa ra trong bối cảnh việc thực hiện chính sách BHYT thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT đang trở thành vấn đề nóng bỏng khi Quỹ sau nhiều năm kết dư nay đã đứng trước nguy cơ bội chi.
Thống kê của BHXH Việt Nam tới tháng 8/2017, số chi khám, chữa bệnh (KCB) theo BHYT là trên 50.000 tỷ đồng, chiếm 70% Quỹ sử dụng trong năm 2017. 51 tỉnh đã bội chi lớn, trong đó có những tỉnh đã chi hết 70%; thậm chí 90% Quỹ KCB BHYT cả năm. Dự kiến năm 2017, mức bội chi sẽ trên 10.000 tỷ đồng. BHXH Việt Nam cảnh báo: “Nếu tiếp tục tình trạng bội chi như trên, Quỹ BHYT cố lắm cũng chỉ có thể đảm bảo được trong năm 2018-2019”.

Cũng theo tính toán của cơ quan BHXH, do mức đóng BHYT không tăng, nếu giữ chính sách BHYT ổn định như hiện nay thì dự kiến mỗi năm Quỹ phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi KCB BHYT. Như vậy, đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối Quỹ. Nếu điều chỉnh chính sách như sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP, chi trả điều trị thuốc kháng virus ARV, thuốc lao, điều chỉnh giá dịch vụ có kết cấu công nghệ thông tin và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định… thì dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tỷ đồng để chi cho KCB BHYT.

Trên thực tế, việc gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường trong thời gian gần đây, ngoài nguyên nhân khách quan do điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu thêm chi phí phụ cấp đặc thù và lương của nhân viên y tế (chiếm khoảng 30%) còn có nguyên nhân chủ quan từ tình trạng lạm dụng, trục lợi và lãng phí Quỹ BHYT diễn ra phổ biến tại nhiều cơ sở KCB dưới nhiều hình thức. Bằng chứng là trong năm 2015-2016, cơ quan BHXH đã từ chối hàng nghìn tỷ đồng thanh toán sai quy định.

Kiểm toán góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về BHYT

Bên cạnh vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, tại nhiều hội nghị, diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập là do thể chế pháp luật về lĩnh vực BHYT còn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Đó là sự mất cân đối trong đóng - hưởng, khi mức đóng không tăng mà quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng; phạm vi thụ hưởng BHYT cũng mở rộng cả lĩnh vực y tế dự phòng, tầm soát bệnh... gây ảnh hưởng đến khả năng chi trả của Quỹ. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa mong muốn phát triển kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến với khả năng đáp ứng của nguồn lực tài chính…  

Cùng với đó, cơ chế giá dịch vụ cũng chưa đầy đủ làm căn cứ cho việc chi trả BHYT khi hiện nay mới xác định được giá của 1.900/11.000 dịch vụ y tế; hệ thống định mức kỹ thuật đã thiếu lại không phù hợp…

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu, giải trình kiến nghị của các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Dự thảo sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật BHYT, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật BHYT và các luật có liên quan, phù hợp với thực tiễn, khả năng cân đối của NSNN và Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải có đánh giá toàn diện về kết quả thực thi Luật BHYT, tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, kiến nghị cụ thể các giải pháp xử lý, báo cáo Chính phủ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu, KTNN đưa nội dung kiểm toán việc thực hiện chính sách BHYT vào kế hoạch năm 2018.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề này, từ góc độ cơ quan thực hiện chính sách, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, ngoài việc kiểm toán định kỳ theo quy định của pháp luật, KTNN cần thực hiện kiểm toán chuyên đề, chuyên sâu, đi vào những vấn đề chi tiết, cụ thể về việc thực hiện chính sách BHYT. KTNN không chỉ kiểm toán tại cơ quan BHXH mà cần thực hiện kiểm toán tại các cơ sở KCB, trong đó trọng tâm là vấn đề sử dụng Quỹ BHYT sao cho hiệu quả. Đặc biệt, những vấn đề bất cập về cơ chế, qua công tác kiểm toán để xác định thực tế, bổ sung thêm căn cứ, cơ sở nhằm hướng tới sửa đổi, hoàn thiện chính sách về BHYT.

Về phía KTNN, ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - cho biết, ngay sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng, KTNN đã đưa nội dung việc thực hiện chính sách BHYT vào Dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm 2018. Dự thảo Kế hoạch kiểm toán sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra cho ý kiến sẽ được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt và triển khai thực hiện. Dự kiến cuộc kiểm toán này sẽ giao cho KTNN chuyên ngành VII chủ trì.
 
NGUYỄN HỒNG
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201