Thứ Tư, 24/4/2024 - 23:47:22 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Dự án Sân bay Long Thành liệu có đắt so với các sân bay hiện đại trên thế giới?

THỨ BA, 26/11/2019 08:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, một số đại biểu Quốc hội cho rằng suất đầu tư của sân bay Long Thành còn cao so với sân bay có quy mô tương đương trên thế giới và lo ngại tình trạng đội vốn.

Mức đầu tư sân bay Long Thành đứng đâu so vớithế giới?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho biết: Tổng mức đầu tư 2 sân bay hiện đại nhất thế giới vừa vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh) với 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ USD. Còn sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD. Trong khi đó, sân bay Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư là 16 tỷ USD.

Trao đổi với báo chí, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị được Chính phủ đề nghị Quốc hội giao làm chủ đầu tư Dự án này - cho biết: Quy mô Dự án Cảng Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm: 4 đường cất/hạ cánh (tức 2 cặp băng, chứ không phải 2 đường băng), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư của Dự án là 16,03 tỷ USD (cho cả 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là hơn 4,7 tỷ USD), trong đó, chi phí cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khoảng 15 tỷ USD, phần còn lại là chi phí cho việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư. 

Theo kinh nghiệm quốc tế, suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách tương đương với suất đầu tư của các sân bay lớn trên thế giới. Cụ thể, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) giai đoạn 1 được vận hành khai thác từ tháng 9/2019 có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách. Còn sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỷ USD/100 triệu hành khách. 

Suất đầu tư 4,779 tỷ USD/25 triệu khách của Cảng Long Thành giai đoạn 1 đã bao gồm dự phòng khối lượng và dự phòng trượt giá... theo quy định của Việt Nam và mức này tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới, như: sân bay Frankfurt (Đức) giai đoạn 3 khởi công tháng 4/2019 có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỷ USD/25 triệu hành khách; sân bay Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3 vận hành khai thác từ tháng 01/2018, có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách... Các giải pháp xây dựng và công nghệ của sân bay Long Thành sẽ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại các nhà ga Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle.

Ông Thanh còn cho biết thêm, sự khác biệt về mục tiêu, quy mô, công nghệ, phạm vi công việc, thời điểm đầu tư, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau nên tổng mức đầu tư cho các cảng hàng không của mỗi nước cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Cảng Hàng không Long Thành đã tính đến nhiều hạng mục hạ tầng cơ bản phục vụ chung cho nhiều giai đoạn nhưng được triển khai đồng bộ ngay từ giai đoạn 1 như: đường giao thông kết nối, các công trình quản lý bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) hay hệ thống điện - nước - thoát nước - viễn thông - xử lý chất thải...

Bộ Giao thông vận tải sẽ rà soát để đảm bảo tổng mức đầu tư sát với thực tế

Bên cạnh những băn khoăn nêu trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành còn cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn tác động khoản vay để đầu tư sân bay Long Thành đến trần nợ công. Bởi lẽ, theo tờ trình của Chính phủ, ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu từ 21 cảng, song thực tế mới chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ bù chi và có lãi, tức là vẫn phải bù lỗ, khó có thể góp vốn cho ACV trong tương lai gần. Chưa kể, báo cáo tiền khả thi vốn đầu tư Cảng Long Thành là 16 tỷ USD, giai đoạn 1 là hơn 4,7 tỷ USD, nhưng hiện chưa có khái toán là bao nhiêu. Hơn nữa, số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD thì có thể huy động được, nhưng với 11 tỷ USD cho giai đoạn tiếp theo thì khả năng huy động vốn thế nào cũng cần được làm rõ…

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) lại nêu lo ngại ở góc độ khác: Chúng ta đã tính toán rất kỹ khi lập dự án nhưng có dự liệu được hết các khả năng, có đảm bảo con số tổng mức đầu tư “đóng đinh” trên giấy tờ như hiện nay hay không?

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tính toán đầy đủ, chính xác các hạng mục đầu tư, tránh gây biến động lớn về tổng mức đầu tư. Đồng thời, Ủy ban này còn nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của DNNN để làm dự án và đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh với khoản vay của ACV để có cơ sở đánh giá đầy đủ phương án huy động vốn đối với nợ công.

Trả lời chất vấn của đại biểu về tổng mức đầu tư Dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra độc lập. Bộ sẽ cố gắng rà soát để đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác.

Về năng lực của ACV, theo Bộ trưởng, DN này đang có khoảng 25.000 tỷ đồng “nhàn rỗi”. Trong giai đoạn từ 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo kế hoạch, đến năm 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư dự án. Phần vốn còn lại, ACV đã ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5 - 5,5%/năm.

Nếu được phê duyệt báo cáo khả thi và được giao làm chủ đầu tư, ngay trong quý I năm 2020, ACV sẽ đấu thầu để lựa chọn thiết kế kỹ thuật của Dự án. Hiện nay, 90% công tác giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành đã được UBND tỉnh Đồng Nai triển khai. Theo dự kiến, chậm nhất đến tháng 10/2020 Dự án sẽ được bàn giao mặt bằng sạch. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để Dự án Sân bay Long Thành được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

MINH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201