Thứ Năm, 28/3/2024 - 23:41:05 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Doanh nghiệp cần hành động để ứng phó với đại dịch Covid-19

THỨ HAI, 07/12/2020 08:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, cộng việc dịch Covid-19 tái bùng phát, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới, cụ thể là gói hỗ trợ lần thứ hai và phải đảm bảo thực thi nhanh, đúng và minh bạch. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng cần phải hành động để trụ vững và vượt qua khó khăn.


Các DN cần phải hành động để trụ vững và vượt qua khó khăn. Ảnh: P.Tuân

Nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% - mức thấp nhất trong suốt tiến trình đổi mới. “Bức tranh” kinh tế sáng hơn một chút khi 9 tháng năm 2020 tăng trưởng đạt 2,12%, tuy nhiên, do dịch bệnh xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7 - tháng 8 và đầu tháng 12 nên mức tăng trưởng năm 2020 được dự báo sẽ thấp, có thể chỉ đạt 2 - 3% - mức thấp nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế hằng năm của Việt Nam.

Kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động của DN rơi vào khó khăn. Covid-19 đã tác động xấu tới gần như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế như: du lịch, lưu trú ăn uống, giải trí, vận tải, logistics, phân phối, công nghiệp chế tác, công nghiệp khai khoáng và cả nông nghiệp. “Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và DN”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhận định.

Số liệu thống kê cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có gần 124.300 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1,87 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 970.000 lao động, giảm 1,9% về số DN, tăng 19,3% về vốn đăng ký và giảm 14,7% về số lao động so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi số DN thành lập mới trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản và công nghiệp xây dựng tăng so với cùng kỳ năm trước thì số DN mới thuộc khu vực dịch vụ giảm 7% (84.600 DN thành lập mới).

Cụ thể, các ngành có số DN thành lập mới giảm là: “Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 1,5%; xây dựng giảm 0,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,4%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 17,6%; kinh doanh bất động sản giảm 16,7%; vận tải, kho bãi giảm 4,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 22,2%; thông tin truyền thông giảm 5,3%; giáo dục và đào tạo giảm 9,8%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 11,9%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 4,3%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 34,4%” - báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là chỉ số rất đáng quan ngại. Trong 11 tháng có gần 93.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần hành động

Các chuyên gia khuyến nghị, càng trong bối cảnh khó khăn, DN càng phải cầm cự, duy trì “năng lượng” để khi dịch bệnh đi qua lại có thể vươn lên mạnh mẽ. Trong điều kiện nguồn lực không dư giả, ngân sách còn eo hẹp, nhưng chính sách hỗ trợ lần thứ nhất của Chính phủ về cơ bản vẫn đảm bảo được 3 mục tiêu: thiết thực; cách thức hỗ trợ (như: giãn, hoãn, khoanh nợ; giãn hoàn thuế; cắt giảm nhiều loại phí); trao tiền mặt cho khoảng 20 triệu người (cơ bản thuộc các nhóm dễ tổn thương) là chưa từng có tiền lệ song vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với thúc đẩy giải ngân đầu tư công (khoảng 30 tỷ USD), Chính phủ vẫn còn ít nhiều dư địa chính sách và nguồn lực để ứng phó.  

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế là chính sách thực thi nói chung còn chậm, sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Kết quả của gói hỗ trợ chưa được như mong đợi, còn nhiều hạn chế. Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có dưới 18% DN tiếp cận được gói hỗ trợ.

Trước cú sốc do đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng, tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, nỗ lực của bản thân DN vẫn có ý nghĩa quyết định. Theo đó, DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTA mà Việt Nam tham gia; tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả; chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhất là chuyển đổi số. Cùng với đó, DN cần học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo; biết đối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi DN, người lao động; xây dựng thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, nhân văn; đối thoại và đồng hành với Chính phủ, các Bộ, ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh; vận dụng tốt cách thức quản trị bất định và rủi ro.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201