Thứ Năm, 28/3/2024 - 21:55:41 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần thúc đẩy tăng trưởng

THỨ HAI, 15/10/2018 09:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay ghi nhận những bước tăng trưởng ngoạn mục. Tính chung 9 tháng, GDP cả nước ước tăng 6,98% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong 8 năm qua; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt... Đóng góp vào kết quả này có vai trò quan trọng của công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.

Ổn định tỷ giá, lãi suất là kết quả nổi bật

Tại Phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, nhất là việc ổn định tỷ giá, lãi suất, tín dụng xuất khẩu. Trong bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang, nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi suất, lãi suất trong nước vẫn tiếp tục được điều hành ổn định. Tình hình tỷ giá cũng có áp lực nhất định nhưng NHNN đã kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VNĐ hợp lý... Vì vậy, thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, trong đó có chính sách tài khoá để ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu chính phủ...

Thời gian qua, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong 9 tháng năm 2018, NHNN đã hỗ trợ giảm chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có điều kiện bình ổn và giảm lãi suất cho vay. Các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất cơ bản tiếp tục được duy trì ổn định.

Trong điều hành tỷ giá, mặc dù có những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung...), tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường đảm bảo.

Đồng thời, NHNN cũng kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa đều tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù lạm phát có dấu hiệu tăng, NHNN vẫn duy trì lãi suất chính sách không đổi kể từ đợt hạ lãi suất trong tháng 7/2017, nhằm giữ cho tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp với mục tiêu chính thức. Tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng ngân hàng nhìn chung phù hợp với mục tiêu cả năm của NHNN.

Thận trọng trước những diễn biến bất lợi

Bên cạnh triển vọng cải thiện trước mắt, các chuyên gia cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia còn gặp nhiều thách thức do độ mở của nền kinh tế rất lớn, chịu ảnh hưởng của các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới; điều hành tỷ giá, lãi suất có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang; tình hình hoạt động của khối DN tư nhân còn khó khăn…

Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cũng chỉ rõ những rủi ro từ trong, ngoài nước và những thách thức trong dài hạn. Đó là tiến trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng và DNNN chậm lại có thể tác động bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra nghĩa vụ lớn cho khu vực nhà nước. Những rủi ro bên ngoài bao gồm: chủ nghĩa bảo hộ, bất định địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu tăng lên; các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính.

Trong bối cảnh đó, WB khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần đẩy mạnh những chính sách làm tăng khả năng chống chịu của kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai. Chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản. Bên cạnh đó, cần ngăn ngừa tình trạng dành tín dụng quá mức cho các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hoặc tiêu dùng cá nhân; tăng cường giám sát khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu, củng cố tỷ lệ an toàn vốn nhằm giảm rủi ro về ổn định tài chính, góp phần nâng cao tăng trưởng trong trung hạn; đồng thời quản lý tỷ giá hối đoái một cách chủ động và linh hoạt hơn để giảm thiểu rủi ro trước những biến động kinh tế từ bên ngoài.

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lưu ý, trong thời gian tới, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến của các cuộc xung đột thương mại trên phạm vi toàn cầu để kịp thời có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực; kiên định điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thắt chặt chính sách tài khoá. NHNN cần giữ mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua đồng thời tiếp tục linh hoạt trong điều hành tỷ giá, điều hành lạm phát; đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD, gia tăng sức chống chịu cho hệ thống.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201