Thứ Sáu, 26/4/2024 - 00:21:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Căn cứ đóng và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội thay đổi thế nào từ năm 2018?

THỨ BA, 03/04/2018 11:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, tuy nhiên đến ngày 01/01/2018, nhiều điều khoản quan trọng của Luật mới chính thức có hiệu lực. Một trong số đó là nền tiền lương đóng BHXH sẽ bắt buộc thay đổi tại các đơn vị, DN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Cũng từ thời điểm này, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi).



Điều chỉnh căn cứ đóng BHXH để lương hưu cao hơn 

Năm 2017, căn cứ đóng BHXH được tính theo hai khoản là mức lương + các khoản phụ cấp. Tuy nhiên, từ 01/01/2018, mức đóng sẽ căn cứ vào ba khoản, bao gồm: mức lương + phụ cấp + các khoản thu nhập bổ sung ổn định. Mục tiêu của chính sách này là để tránh trường hợp người lao động có thu nhập tốt khi đi làm nhưng lương hưu lại quá thấp do mức đóng BHXH thấp.

Thông tin rõ hơn về sự thay đổi này, tại buổi tọa đàm “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về BHXH như thế nào?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội - cho biết: mức đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ 4,3 triệu đồng/tháng/người, cao hơn một ít so với lương tối thiểu là 3,940 triệu đồng. Trên hợp đồng lao động, hai khoản thể hiện rõ nhất là mức lương và các loại phụ cấp gắn với công việc, cụ thể như phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ...

Từ 01/01/2018, chúng ta chỉ thêm các khoản thu nhập bổ sung khác, có tính chất ổn định. Hiện nay, nhiều khoản không được tính vào đóng BHXH như thưởng, lương năng suất, hỗ trợ điện thoại, xăng xe, đi lại hay ăn trưa… bởi các phần này là thu nhập bổ sung có tính chất phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Về cơ bản, mức đóng BHXH của DN từ năm 2018 không tăng nhiều, thậm chí có những DN không thay đổi gì.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: năm 2017, về cơ bản, tất cả các khoản tiền lương, phụ cấp có tính chất tiền lương đã được áp dụng làm căn cứ đóng BHXH và các khoản đóng góp khác. Các khoản bổ sung tính từ năm 2018 thực chất không có thay đổi lớn, bởi vậy, các DN, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh có thể yên tâm với quy định mới.

Thực tế, các DN và bản thân người lao động đang cho rằng mức đóng BHXH hiện nay có tỷ trọng cao, trong đó 14% là DN đóng, 8% là người lao động đóng. Nhưng, chúng ta lại đóng trên nền rất thấp, các DN đóng BHXH theo mức lương tối thiểu nên lương hưu sau này sẽ thấp. Sự thay đổi này là để BHXH được đóng dựa trên thu nhập thực, có như vậy thì lương hưu của người lao động mới cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh thêm: điều quan trọng là phải công khai, minh bạch việc đóng BHXH của người lao động, thể hiện trên hai vấn đề: một là, trả sổ cho người lao động giám sát; hai là, công khai, minh bạch mức đóng. Toàn bộ tiền đóng BHXH của 2,3 triệu người đang hưởng lương hưu hiện nay chỉ đủ chi trả cho 10 năm, trong khi đó cuộc sống bình quân hưởng lương hưu là 18-19 năm. Như vậy, chúng ta thiếu 8-9 năm không có quỹ, Nhà nước phải hỗ trợ. Bởi vậy, người lao động cần được biết rõ rằng dù tỷ trọng cao, nhưng nền đóng thấp thì quỹ cũng không bảo đảm hết cuộc đời của họ.

Sẽ xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH

Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - trong hơn 600 nghìn DN đang hoạt động, chỉ có khoảng 250 nghìn DN tham gia BHXH. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100 nghìn DN và phát hiện có đến 60 nghìn DN không có địa chỉ sản xuất kinh doanh, nhiều DN chỉ có từ 2-5 lao động. Như vậy, tính tổng DN thì rất lớn, nhưng số lao động lại rất nhỏ. BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý, vận động, tuyên truyền các DN tuân thủ đúng Luật BHXH.

Qua kiểm tra, BHXH Việt Nam cũng đã định hình được một số hành vi vi phạm liên quan đến việc đóng - hưởng BHXH, từ đó cụ thể hóa các vi phạm này trong Bộ luật Hình sự. Cụ thể như: chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH;…

Theo đó, phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với các trường hợp chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…; phạt tù từ 5 đến 10 năm đối với các trường hợp chiếm đoạt tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Ngoài ra, Luật còn có các quy định liên quan đến tội gian lận bảo hiểm y tế, tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…

Đánh giá cao những quy định nêu trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: việc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm đóng hưởng BHXH nhằm đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh của các DN. Một DN trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muốn đóng góp, xây dựng, phát triển DN. Đóng BHXH là trách nhiệm xã hội của DN đối với người lao động và các quy định mới lần này sẽ là công cụ hữu hiệu để DN tuân thủ tốt hơn các quy định pháp luật, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vấn đề còn lại là Luật phải quy định cụ thể các biểu hiện của từng hành vi trốn đóng, trục lợi để từ đó xác định hành vi nào cần xử lý hành chính, hành vi nào phải xử lý hình sự, tránh tạo sức ép đối với DN.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, chúng ta không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng. Công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định cụ thể như gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn… Muốn triển khai quy định trong thực tế, chúng ta phải chờ các văn bản hướng dẫn để có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn về các hành vi này. 

Cần xây dựng quy trình chặt chẽ để DN và người lao động yên tâm 

Theo ông Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đã có quy định và hướng dẫn cụ thể về những trường hợp bị thanh tra đột xuất, chẳng hạn như nợ đọng 3 tháng  mà cơ quan BHXH đã 2 lần làm việc và thông báo. BHXH Việt Nam sẽ tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ để xử lý. Với những DN đóng ngay khi BHXH Việt Nam ra quyết định thanh tra thì không cần kiểm tra thêm, còn nếu đơn vị thực sự khó khăn thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được cơ quan quản lý địa phương xác nhận thông tin, sau đó sẽ được dừng đóng BHXH, quyền lợi vẫn được hưởng, nhưng hết một năm phải đóng tiền gốc và không phải chịu lãi.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định: Việt Nam không thiếu các quy định pháp luật, nhưng điều đáng suy nghĩ là tính tuân thủ và khả năng tổ chức triển khai thực hiện pháp luật có vấn đề. Thực tế, nhiều DN gặp không ít khó khăn trong cơ chế thị trường, phải tiết kiệm từng đồng chi phí để giảm giá thành, tiêu thụ sản phẩm. Những người thực thi pháp luật cũng cần thông cảm với DN và phân tích kỹ đâu là trường hợp lạm dụng, chiếm đoạt, đâu là nợ do khó khăn thực sự, từ đó xây dựng quy trình chặt chẽ, hiệu quả, vừa khích lệ DN, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết thêm, Bộ đã tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện các phương án để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Hiện Bộ cũng đang được Chính phủ giao và đang triển khai xây dựng Đề án đổi mới tổng thể về BHXH, gắn với tiền lương khối DN và sửa Luật Lao động năm 2019. 

Trước mắt, Bộ sẽ đẩy mạnh phối hợp với sở lao động thương binh và xã hội các tỉnh trong việc sử dụng công nghệ thông tin để làm việc, trao đổi với DN, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng BHXH. Mặt khác, Bộ cũng tăng cường quản lý và cố gắng động viên, tạo điều kiện cho DN, dùng các biện pháp xử phạt hành chính, hòa giải, sau cùng mới là giải pháp hình sự. Các quy định mới cần có giải thích cụ thể thế nào là thủ đoạn, gian lận, gian dối. Trong cuộc làm việc gần đây nhất, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo: sắp tới Hội đồng thẩm phán sẽ thảo luận, ra Nghị quyết để hướng dẫn, định nghĩa các trường hợp vi phạm. Trách nhiệm của Bộ là phối hợp, báo cáo để Tòa án hướng dẫn đúng đối tượng, thực hiện được mục tiêu đặt ra.

Hiện nay, các luật quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng nhưng khi triển khai lại có một số vướng mắc. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang thực hiện theo quan điểm Chính phủ kiến tạo, nghĩa là những vướng mắc cụ thể sẽ được quan tâm sát sao để cùng tháo gỡ. DN có thể yên tâm rằng, không phải cứ thay đổi luật là chi phí kinh doanh sẽ tăng. Hệ thống pháp luật đưa vào là để giúp DN tăng cường cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

BẮC SƠN
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201