Thứ Hai, 29/4/2024 - 00:08:02 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Báo cáo kết quả Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”

THỨ BẢY, 22/09/2018 14:26:00 | THÔNG TIN TỔNG HỢP
(BKTO) - Sáng 22/9, tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14), thay mặt KTNN Việt Nam, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã Báo cáo kết quả Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Báo điện tử Kiểm toán đăng lại toàn văn Báo cáo.

Kính thưa TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch ASOSAI

Kính thưa ông Choe Jeahyeong - Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, Tổng Thư ký ASOSAI

Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý!

1. Đại hội tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao thế giới (INTOSAI) lần thứ 22 tháng 12/2016 đã xác định chủ đề chính là "Các mục tiêu phát triển bền vững - Làm thế nào để INTOSAI đóng góp vào Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, KTNN Việt Nam đã đề xuất chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 là "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" và được Ban điều hành ASOSAI thông qua trên cơ sở ý kiến đồng thuận của 46 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên ASOSAI tại phiên họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 51 tại Indonesia tháng 2/2017.

Chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Với chủ đề này, Đại hội ASOSAI 14 đã tổ chức Hội nghị chuyên đề ASOSAI thứ 7 để các SAI thành viên đóng góp tham luận tập trung làm rõ những thách thức về môi trường mà thế giới đang phải đối mặt, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Hội nghị chuyên đề ASOSAI thứ 7 cũng là một trong những nội dung cốt lõi, quan trọng thuộc Tuyên bố Hà Nội của Đại hội ASOSAI 14.

2. Hội nghị chuyên đề ASOSAI lần thứ 7 được tổ chức vào ngày 20/9/2018 tại Hà Nội, Việt Nam, với sự tham dự của trên 400 đại biểu, trong đó có 175 đại biểu đến từ 41 SAI thành viên của ASOSAI, 10 quan sát viên quốc tế, 60 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu cùng nhiều đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội nghề nghiệp có trụ sở tại Việt Nam.

3. Hội nghị được thực hiện thông qua 3 phiên họp gồm: 2 phiên họp toàn thể và 1 phiên thảo luận. Chủ trì Phiên họp toàn thể thứ nhất là TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN Việt Nam, ông Moermahadi Soerja Djanegara - Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Indonesia và bà Hồ Trạch Quân - Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc. Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất, sau bài phát biểu khai mạc của Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước các tiểu vương quốc Ả rập, Chủ tịch INTOSAI và Tổng Thư ký ASOSAI, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, Hội nghị đã nghe phần trình bày báo cáo quốc gia của đại diện 04 SAI gồm: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Trong các SAI được lựa chọn trình bày báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất, các SAI Malaysia, Indonesia và Trung Quốc là các cơ quan kiểm toán tối cao có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến trong kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững mà các SAI đi sau sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi.

Báo cáo của KTNN Malaysa do ông Kha-lít Khan Áp-đu-la Khan - Phó Tổng KTNN Malaysia trình bày. Trên cơ sở trình bày kinh nghiệm về kiểm toán môi trường, SAI Malaysia đã đề xuất một số giải pháp chủ yếu để phát triển kiểm toán môi trường trong tương lai, đó là: xác định nội dung và phạm vi kiểm toán phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDG); đẩy mạnh hợp tác với các SAI khác trong công tác quản lý môi trường và kiểm toán môi trường; tích hợp xem xét các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường khi thực hiện kiểm toán môi trường và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường.

Báo cáo của Ủy ban kiểm toán Indonesia do ông Ba-ti-a A-ríp - Tổng thư ký Ủy ban kiểm toán Indonesia trình bày. Về kinh nghiệm, SAI Indonesia chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán hoạt động về việc thực hiện các SDG với nhiều phát hiện kiểm toán mới và thú vị dựa trên phương pháp tiếp cận theo quy trình và hai khuôn khổ (chính sách và dữ liệu), thiết lập các tiêu chí kiểm toán cụ thể nhằm đánh giá tính hiệu lực trong việc thực hiện các SDG, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chính phủ Indonesia… Từ đó, SAI Indonesia đề xuất một số giải pháp hữu ích như: tăng cường kiểm soát việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán đối với việc thực hiện các SDG; triển khai thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động về việc thực hiện các SDG; nâng cao tính hiệu quả, trách nhiệm giải trình và minh bạch của các SAI; tích cực tham gia các diễn đàn chia sẻ và hợp tác khu vực và toàn cầu.

Báo cáo của KTNN Trung Quốc do ông Li Feng - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Tài nguyên và Môi trường SAI Trung Quốc trình bày. Khác với các SAI khác, KTNN Trung Quốc đi sâu nghiên cứu về cơ sở lý luận cho kiểm toán môi trường như: đề cập đến khái niệm mới về phát triển bền vững, nghiên cứu các phương pháp kiểm toán môi trường mới để từ đó đánh giá tính hiệu lực của việc thực hiện các chính sách về môi trường; tăng cường kiểm toán trách nhiệm giải trình trong việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (BIG DATA) vào kiểm toán nhằm tận dụng tối đa hệ thống thông tin, kĩ thuật vệ tinh, viễn thông viễn thám, cộng hưởng số...

Báo cáo của KTNN Việt Nam do ông Nguyễn Quang Thành - Phó Tổng KTNN Việt Nam trình bày. KTNN Việt Nam khẳng định, kiểm toán môi trường là lĩnh vực kiểm toán hết sức mới mẻ đối với Việt Nam nên việc triển khai kiểm toán môi trường tạo ra rất nhiều thách thức mà KTNN Việt Nam phải đối mặt và giải quyết. Trong khuôn khổ của Hội nghị. KTNN đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững tốt hơn ở cả cấp quốc gia như: nâng cao nhận thức và hiểu biết về kiểm toán môi trường; xây dựng kế hoạch chiến lược về kiểm toán môi trường; gia tăng cac cuộc kiểm toán môi trường qua đó kịp thời phát hiện những sai phạm để kịp thời xử phạt theo quy định pháp và cấp quốc tế đó là, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI; hợp tác phát triển năng lực cho các SAI thành viên về kiểm toán môi trường và tăng cường hợp tác giữa các SAI thông qua việc tổ chức các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI trong lĩnh vực kiểm toán môi trường và SDGs). 

4. Sau phiên họp toàn thể thứ nhất là Phiên thảo luận. Chủ trì Phiên thảo luận là GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, bà Giút-ka Mây-đi E-ních Si-am - Vụ trưởng Vụ Quan hệ công chúng và Hợp tác quốc tế KTNN Indonesia và ông Giang Hai Ding - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế KTNN Trung Quốc. Phiên thảo luận diễn ra rất sôi nổi và cởi mở với 4 bài trình bày (của các diễn giả đến từ Tổ chức Sáng kiến Phát triển INTOSAI (IDI), Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA), KTNN Úc và KTNN Nepal) và 9 ý kiến trao đổi của KTNN Malaysia, KTNN Việt Nam, KTNN Iran, KTNN Afghanistan, IDI, KTNN Bangladesh và KTNN Kuwait.

Phiên thảo luận được mở đầu bằng các bài phát biểu của diễn giả đến từ IDI và ACCA. Với cách tiếp cận kiểm toán môi trường rộng hơn ở cấp khu vực và toàn cầu, IDI và ACCA đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các SAI đối với phát triển bền vững và tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các SAI trong thực hiện kiểm toán môi trường. Diễn giả IDI cho rằng, để triển khai kiểm toán môi trường một cách hiệu quả, các SAI cần phải trả lời được những câu hỏi như: tại sao phải kiểm toán các vấn đề liên quan đến các SDG, sự khác biệt khi kiểm toán các SDG là gì và làm thế nào để các SAI có thể tạo ra sự khác biệt. Trong khi đó, diễn gia ACCA lại hướng Hội nghị tập trung vào những thách thức mà các SAI phải đối mặt khi thực hiện các SDG cũng như thách thức trong việc phối hợp kiểm toán môi trường giữa các SAI. Đây là những nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm tại Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp nhằm đối phó với những thách thức khi thực hiện kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững như: thiếu hệ thống thông tin hoặc thông tin không đầy đủ về môi trường; thiếu hụt các nguồn lực (nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ thông tin…) và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện kiểm toán môi trường; sự bất cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và môi trường; hạn chế trong việc phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, chính phủ, quốc gia, khu vực trong việc giải quyết các vấn đề liên quốc gia liên quan đến môi trường…

5. Có thể khẳng định với xuất phát điểm, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau nên cách tiếp cận và trình độ kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của mỗi SAI sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, trước những thách thức về môi trường ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, các SAI đều nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình trong công cuộc phát triển bền vững của các quốc gia và nhiệm vụ thực hiện kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề.

6. Trên cơ sở, trao đổi, thảo luận về thực trạng và thách thức khi thực hiện kiểm toán các SDG và kiểm toán môi trường, tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Hội nghị đã đưa ra một số đề xuất sau:

Gắn kế hoạch kiểm toán trung hạn và thường niên của các SAI với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc để thực hiện thành công kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững;

Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phổ biến các thông lệ tốt giữa các SAI thành viên trong cộng đồng ASOSAI nhằm tăng cường năng lực cho các SAI về kiểm toán môi trường;

Tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán, kỹ thuật kiểm toán mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ dữ liệu lớn (BIG DATA) vào kiểm toán nhằm tận dụng tối đa hệ thống thông tin, kĩ thuật... cho kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững;

Đẩy mạnh kiểm toán môi trường trên cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính) nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhằm đạt được các SDG từ quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, giám sát việc thực hiện và báo cáo tiến độ thực hiện kiểm toán.

Tăng cường hợp tác về chuyên môn với các tổ chức bên ngoài như Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA), các cơ quan của Liên hợp quốc như Chương trình môi trường của Liên hợp quốc cũng như Ủy ban của liên hợp quốc về phát triển bền vững…

Hội nghị chuyên đề ASOSAI lần thứ 7 “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã giúp cho các SAI thành viên có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vấn đề mang tính thời sự và tìm ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện kiểm toán đạt được thành công các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường tại từng quốc gia, khu vực và trên thế giới. Việc thực hiện toàn diện và hiệu quả các giải pháp, đề xuất và sáng kiến đưa ra tại Hội nghị cũng thể hiện sự quyết tâm thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội của các SAI thành viên ASOSAI.

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Petrovietnam tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện “mục tiêu kép”

Petrovietnam tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện “mục tiêu kép”

(BKTO) - Nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ban hành Chỉ thị về việc tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, chế độ phân công làm việc và chủ trương của Chính phủ về việc tiêm vắc xin và 5K phòng dịch.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201