Thứ Sáu, 26/4/2024 - 21:10:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Trình Quốc hội xem xét cho phép Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14

THỨ TƯ, 12/10/2022 15:25:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh đến hết 31/12/2023; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH


Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 16, sáng 12/10, UBTVQH cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tăng cường tính tự chủ, năng động, sáng tạo

Theo đánh giá của Chính phủ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho Thành phố, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Theo đánh giá của Thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển…

Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đối với TP.Hà Nội.

Đồng thời, tạo điều kiện cho Thành phố huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật; chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; chia sẻ khó khăn và tăng cường gắn kết về nguồn lực, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Đánh giá kỹ hơn hiệu quả các cơ chế, chính sách thí điểm

Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao các địa phương chủ động có tổng kết, sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc ban hành 2 Nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã chứng minh tính đúng đắn, các cơ chế chính sách đã hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của hai trung tâm lớn của đất nước. Trong quá trình thí điểm, một số cơ chế chính sách đã được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi được tiến hành chính sách đại trà.
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH


Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 để các cơ quan có thời gian và điều kiện nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn, trên cơ sở đó đề xuất một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị TP. Hà Nội nghiên cứu kinh nghiệm của TP.Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của UBTVQH hoàn thiện báo cáo, trong đó phân tích những kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại cho nền kinh tế xã hội, đời sống của cán bộ, công nhân viên chức và người dân; việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết.

Đồng thời, đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã được thực hiện, nêu rõ chính sách nào thực hiện hiệu quả, hết thời gian thí điểm có thể áp dụng nhân rộng cho toàn quốc; khó khăn, vướng mắc và giải pháp để triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao, các chính sách không nên triển khai tiếp; đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến nhiều chính sách, cơ chế trong Nghị quyết thực hiện được hoặc đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp.

Tương tự, về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14, UBTVQH đề nghị phân tích, đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế xã hội, đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, của người dân; đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao; đánh giá kỹ hơn về tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 115 chưa thực hiện được hoặc đã thực hiện những hiệu quả thấp.

UBTVQH, đề nghị Chính phủ, TP.Hà Nội tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có kế hoạch, lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế, chính sách thí điểm. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách cho TP.Hà Nội khi sửa Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn thực hiện Nghị quyết 115.
 
Cũng trong sáng 12/10, UBTVQH đã xem xét, phê chuẩn để nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam.
 
Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201