Thứ Sáu, 29/3/2024 - 12:14:32 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước

THỨ SÁU, 03/06/2022 12:50:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) –Việc phê chuẩn quyết toán NSNN chậm như hiện nay, sau 18 tháng kết thúc niên độ NSNN làm giảm hiệu lực, hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực NSNN – đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại phiên thảo luận về quyết toán NSNN năm 2020, diễn ra chiều 02/6.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn


Mở đầu phần phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của KTNN được tổng hợp từ 234 báo cáo kiểm toán đối với niên độ NSNN năm 2020 đã cho thấy rất nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN.

Để khắc phục các tồn tại, vi phạm này, đại biểu đề nghị KTNN cần đưa ra ý kiến kiến nghị cụ thể trong việc xử lý các khoản thu, chi NSNN không đúng quy định; để các Bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh các khoản sai phạm, vi phạm; tránh đưa vào kết luận, kiến nghị, sau đó lại chậm được thực hiện gây thất thu, lãng phí nguồn lực.

Về quyết toán NSNN, đại biểu Hà chỉ rõ, trong các năm gần đây, số chi chuyển nguồn liên tục năm sau tăng cao hơn năm trước, với quy mô ngày càng lớn.

“Chi chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là trên 643.406 tỷ đồng chiếm 27,3% tổng chi NSNN, theo số thực chi ngân sách nhà nước thì chiếm tới 37,6% tổng chi NSNN là không phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu cần nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, giảm mạnh chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương” – đại biểu Hà dẫn chứng.

Đặc biệt, đối với số chuyển nguồn chi đầu tư nguồn NSNN năm 2020 sang năm 2021 rất lớn trên 274.426,7 tỷ đồng bằng gần 55% kế hoạch năm 2020 và bằng 47,6% số vốn giải ngân năm 2020, chiếm 42,7% tổng số chi chuyển nguồn, cho thấy hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, chi kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020 được phép thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ mới chi tiết được một số số liệu trong số chuyển nguồn 67.379 tỷ đồng của các Bộ, cơ quan trung ương, vẫn còn lũy kế số vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi chuyển nguồn sang năm sau của các Bộ, ngành trung ương là trên 33.000 tỷ đồng. Báo cáo cũng chưa chi tiết được toàn bộ số chuyển nguồn ngân sách địa phương hơn 207.000 tỷ đồng nên cũng không rõ tất cả các khoản chuyển nguồn này có phù hợp với quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công không?

“Đề nghị Chính phủ, KTNN cần tiếp tục rà soát toàn bộ số chuyển nguồn này, trong đó kịp thời thu hồi các khoản chuyển nguồn tạm ứng không đúng quy định” – đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà kiến nghị.

Nhấn mạnh bất cập từ việc phê chuẩn quyết toán NSNN chậm, sau 18 tháng kết thúc niên độ NSNN, làm giảm hiệu lực, hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực NSNN, đại biểu Hà cho rằng, việc chậm phê chuẩn quyết toán NSNN khiến những tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo quyết toán NSNN năm trước không được khắc phục ngay trong khâu lập dự toán NSNN năm sau.

Đồng thời, việc xử lý các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các trường hợp vi phạm kéo dài sau 2 đến 3 năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ NSNN và quyết toán NSNN chưa được xử lý dứt điểm cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực.

Đặc biệt, đại biểu Hà chỉ ra, theo quy định hiện hành, với số vốn chưa thực hiện, chưa giải ngân theo đúng quy định, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN năm sau phải hủy nguồn. Song do quy định được chuyển nguồn sang năm sau nên Quốc hội vẫn phê chuẩn quyết toán cho các khoản chuyển nguồn đã hết thời gian thực hiện, dẫn đến chưa thu hồi ngay được các khoản hủy nguồn này để giảm bội chi NSNN của năm trước và trường hợp đã vay bù đắp bội chi sẽ là một lãng phí rất lớn khi NSNN vẫn phải chi trả lãi hàng năm.

Để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn NSNN, giảm bội chi ngân sách trung ương, giảm chi phí lãi vay, trong khi chờ sửa đổi các quy định của Luật NSNN, thu hẹp thời gian phê chuẩn quyết toán, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện nội dung được nêu tại Nghị quyết số 22/2021/QH15 của Quốc hội về việc giao Chính phủ nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với hiện hành để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

“Trước mắt, trong trường hợp tiếp tục thực hiện thời gian quyết toán NSNN như hiện nay cần phải có giải pháp trình Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản chuyển nguồn ngân sách trung ương đã hết thời gian thực hiện phải hủy nguồn sau khi hết thời gian chỉnh lý quyết toán” – đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà nêu quan điểm.

Đ. KHOA
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201