(BKTO) – Đó là một trong những mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành.
|
Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025, người dân, DN có thể sử dụng dịch vụ số dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. Ảnh: Internet
|
Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Người dân, DN có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Một số chỉ tiêu cụ thể: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4;
100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn tối đa thông tin, dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận hoặc được thu thập, chia sẻ phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng;
100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật;
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Bộ Tài chính thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn…
Người dân, DN và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến cho hoạt động của Bộ Tài chính, phản ánh những vấn đề của xã hội tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia.
DN có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, người dân, DN và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung.
Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của DN, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, DN tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội./.
THÙY ANH