Thứ Ba, 7/5/2024 - 15:49:00 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đề xuất tăng lương cơ sở từ 01/7/2023

THỨ BA, 18/10/2022 08:15:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 17/10, đại diện các cơ quan của Quốc hội đã trao đổi với báo chí một số vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, chính sách tiền lương…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. Ảnh: quochoi.vn


Điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc điều chỉnh tiền lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

“Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 01/7/2023, đồng thời điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện từ đầu tháng 01/2023” – ông Nguyễn Hoàng Mai thông tin.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở thì các cơ quan chức năng sẽ tính toán, để xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.

Thông tin thêm về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, 2 năm qua nền kinh tế ảnh hượng hết sức nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước chưa tăng lương, dành nguồn lực đó cho công tác phòng, chống dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Chính vì vậy, chúng ta không có điều kiện tăng lương trong giai đoạn vừa rồi.

Hiện nay, kinh tế đã có sự phục hồi, tăng trưởng cũng đã có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, cơ quan chức năng tính tăng lương cơ sở trước. Sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, việc tăng lương còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia. Chúng ta phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển, tiêu dùng và cho con người. Đây là vấn đề sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Xây dựng cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu hợp lý hơn

Liên quan đến vấn đề điều hành giá xăng dầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khẳng định, vấn đề xăng dầu trong thời gian vừa qua gây ra nhiều bức xúc, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri cũng nêu vấn đề này.
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: quochoi.vn


Đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Trong đó có nguyên nhân do giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ lớn trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp với chu kỳ biến động của thế giới. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo để các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích của các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu và đơn vị bán lẻ xăng dầu.

Về xem xét giảm các loại thuế đối với xăng dầu, ông Sơn cho biết, tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 06/7/2022 về Dự án Nghị quyết về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng nền kinh tế.

Đến nay, Chính phủ vẫn chưa có tờ trình để báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét tiến hành thẩm tra, nếu đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Ngoài ra, báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội trình Quốc hội sắp tới cũng đề cập đến vấn đề giá xăng dầu trong thời gian qua.

Đ. KHOA
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201