Chủ Nhật, 5/5/2024 - 09:27:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở từ 01/01/2023

THỨ NĂM, 27/10/2022 16:01:20 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Trong bối cảnh giá cả tăng cao; đời sống của công chức, viên chức, người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt và nên thực hiện tăng lương từ 01/01/2023.

 

Toàn cảnh phiên họp sáng 26/10. Ảnh: VPQH


Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận là việc Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do NSNN chi trả và hỗ trợ thêm cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Nhấn mạnh đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động còn khó khăn, nhất là ở cơ sở, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) chỉ rõ, từ tháng 7/2019 đến nay, tiền lương chậm được điều chỉnh trong khi hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng, làm cho tiền lương thực tế giảm, dẫn tới hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư có tình trạng gia tăng.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.

Cùng với việc nâng lương cơ sở, đại biểu cũng đề nghị sớm điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay đang là 360 nghìn đồng/tháng là rất thấp và khó khăn cho các đối tượng được trợ giúp.

Đại biểu Thái Thu Xương (Đoàn Hậu Giang) cũng nhấn mạnh, thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng thì giá cả mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục, trong khi tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng.

Đồng thời, lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống vật chất của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho nhóm đối tượng này.

“Cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 01/01/2023” – đại biểu phát biểu, đồng thời cũng lưu ý việc cần kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, tránh tình trạng “lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng”, khiến đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn.
 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái đề nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở từ 01/01/2023. Ảnh: VPQH


Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 đến 70% lên là 100%; xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Cho biết ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động, thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và cộng đồng, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn của Chính phủ. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sự chịu đựng của ngân sách, đây là điều rất đáng trân trọng.

“Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và cũng để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, từ những kiến nghị của rất nhiều cử tri, tôi xin trân trọng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 01/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 01/01/2023. Chắc chắn đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần ba năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu. Cử tri đang rất trông mong đề xuất này được Quốc hội và Chính phủ chấp nhận”- đại biểu Nguyễn Huy Thái phát biểu.
Đ. KHOA



 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201