Thứ Sáu, 29/3/2024 - 14:17:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đại biểu Quốc hội “hiến kế” đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

THỨ NĂM, 02/06/2022 14:28:04 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công chậm đã trở thành “căn bệnh trầm kha”, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và NSNN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập này.

 

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn


Cần một “cuộc cách mạng” trong lập dự án

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) chỉ rõ, thời gian qua đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối, không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

Theo đại biểu, có ba nguyên nhân chính khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Thứ nhất là do Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công, khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án.

Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn.

Thứ ba, việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực. Đây là vấn đề cốt lõi, việc lựa chọn nhà thầu lâu nay rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, cài cắm lợi ích. Không ít nhà thầu khi thực hiện dự án có hiện tượng chây ì nhưng xử lý rất khó, thiếu kiên quyết và thiếu các thể chế, chế tài đủ mạnh.
 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn


Để xử lý dứt điểm căn bệnh trầm kha này, theo đại biểu, cần minh bạch trong lựa chọn nhà thầu. “Theo quy định của pháp luật, đối với các dự án đầu tư công chúng ta phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, qua khảo sát các dự án gần đây cho thấy số tiền chênh so với mức chủ đầu tư đưa ra là không nhiều. Nói cách khác là rất sát, chưa nói sau khi trúng thầu còn chây ì để được bù trượt giá còn cao hơn chỉ định thầu. Rõ ràng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công cùng hệ thống pháp luật liên quan vẫn còn những lỗ hổng dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả và chưa nghiêm” - đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm.

Đại biểu cũng cho rằng, cần một “cuộc cách mạng” trong việc lập các dự án mới trên tinh thần chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các khâu xin ý kiến và chờ thông qua mới triển khai lập dự án mời thầu, đấu thầu. Vì thực tế một số dự án thời gian qua thực hiện quy trình đấu thầu gấp đôi thời gian chỉ định thầu.

Thời gian dài cũng khiến dự toán bị lỗi thời và làm tăng chi phí, tính khả thi không cao khi áp dụng vào thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt, cho phép chỉ định thầu để rút ngắn được thời gian lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án.

Đối với quy định trong Luật NSNN năm 2015, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Quốc hội cần xem xét sửa hoặc ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị dự án khác có khả năng hoàn thành sớm. Bởi theo quy định hiện hành, không thể điều chỉnh vốn ngân sách từ địa phương này cho các địa phương khác.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị cần có biện pháp cụ thể điều chỉnh giá vật tư, vật liệu… để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, bởi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá vật tư, vật liệu tăng đột biến dẫn đến tình trạng nhiều dự án, công trình sẽ bị giãn tiến độ hoặc ngừng thi công.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho đầu tư công

Cùng mối quan tâm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công chậm là vấn đề nan giải được nhắc đến nhiều lần, năm nào cũng chỉ đạo quyết liệt nhưng tổng ngân sách không giải ngân hết phải chuyển nguồn sang năm sau gần bằng lượng tiền vốn đầu tư giải ngân trong năm. Những vướng mắc trong Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn không được cải thiện.

Từ thực trạng trên, đại biểu Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét một số quy định về cơ chế đặc thù cho đầu tư công.
 

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn


Theo đó, tách hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng các dự án nhóm A, B khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc tách như vậy khi triển khai các dự án thi công sẽ không bị gián đoạn do chậm giải phóng mặt bằng; tính toán chi phí đầu tư xây dựng sẽ chính xác và có cơ sở để so sánh với các công trình khác. Đồng thời, khi tách phần giải phóng mặt bằng ra cũng sẽ dễ dàng kêu gọi được đầu tư tư nhân, đặc biệt là những đầu tư như hợp tác công tư PPP vì không phụ thuộc vào giới hạn của chi phí giải phóng mặt bằng mà Nhà nước đã phải bỏ ra.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư mua sắm công trên nguyên tắc chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật không thấp hơn, chi phí không cao hơn so với các hạng mục công trình hoặc các vật tư thiết bị đã được lựa chọn thông qua đấu thầu ở các giai đoạn trước đó, đồng thời, công khai, minh bạch tất cả thông tin về gói thầu, về nhà cung cấp để có thể giám sát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị áp dụng giá bồi thường thỏa đáng theo giá bình quân của thị trường, không phụ thuộc vào khung giá, bảng giá của Nhà nước; bảo đảm các điều kiện cư trú cho người dân phải di dời không kém hơn nơi ở cũ, đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý nếu cố tình chây ỳ và có chính sách thuế để điều tiết phần giá trị tăng lên do di dời chậm.

Cơ chế tiếp theo được đại biểu Cường đề xuất là cho phép lựa chọn áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp nhất trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư; trao quyền cho chủ đầu tư điều chỉnh các nội dung mang tính chất kỹ thuật trong quá trình triển khai các dự án trên một số nguyên tắc cụ thể.

“Các giải pháp trên nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên trên hoặc cố tình dựa vào các quy định pháp luật, không năng động, không sáng tạo và đây cũng là cơ sở để chúng ta phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” - đại biểu Cường phát biểu.

Chỉ ra “điểm nghẽn” lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ có cơ chế tách riêng hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành những dự án độc lập giao về cho cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Đồng thời, cải tiến các thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm về giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi cho người dân. Qua đó đẩy nhanh tiến độ, thời gian thực hiện dự án và đưa công trình vào phục vụ một cách hiệu quả hơn.

“Tôi tha thiết đề nghị nên có những chương trình, cơ chế, chính sách thí điểm, nếu có hiệu quả thì áp dụng chung cho cả nước” - đại biểu đề xuất.
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201