Thứ Sáu, 29/3/2024 - 22:52:38 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020

THỨ TƯ, 25/03/2020 20:48:05 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 339/QĐ-KTNN ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại các Bộ, ngành và địa phương.

Ảnh minh họa


Tổng quan về kế hoạch đầu tư công trung hạn theo chủ đề kiểm toán, Đề cương nêu rõ, căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các Bộ, ngành, địa phương và kế hoạch đầu tư công đã giao hàng năm đến hết năm 2019, số vốn còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được giao trong năm 2020 là 475.744,6 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 là 200.000 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết sử dụng dự phòng chung, đến 31/12/2019 số dự phòng chung còn lại chưa sử dụng là 159.600,3 tỷ đồng, theo đó cơ cấu kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được điều chỉnh như sau: Tăng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương trong nước 5.249 tỷ đồng; Tăng nguồn dự phòng chung nguồn vốn nước ngoài 3.853,3 tỷ đồng; Giảm nguồn dự phòng chung 49.502 tỷ đồng.

Trên cơ sở số dự phòng chung được bổ sung vào kế hoạch trung hạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch trung hạn đến thời điểm 31/12/2019 là 28.806 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương.

Về dự phòng 10% trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại các Bộ, ngành, địa phương, tổng nguồn vốn dự phòng trên tổng vốn đã phân bổ theo kế hoạch trung hạn tại các Bộ, ngành, địa phương là 166.468,4 tỷ đồng.

Số dự phòng 10% từ nguồn ngân sách trung ương đã được giao chi tiết điều chỉnh vào kế hoạch trung hạn là 19.644 tỷ đồng.

Theo Đề cương vừa ban hành, nội dung kiểm toán được xác định là đánh giá việc thực hiện các quy định về xây dựng, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại các Bộ, ngành và địa phương, như: Xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công; không bố trí cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư nguồn NSNN, không được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020; phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và trong phạm vi hạn mức quy định tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; riêng các dự án khởi công mới chỉ bố trí vốn kế hoạch cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Đồng thời kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý và sử dụng vốn; đánh giá những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các chính sách liên quan; đánh giá việc thực hiện quy định về phòng chống tham nhũng; đánh giá trách nhiệm người đứng đầu của các đơn vị được kiểm toán đối với các sai phạm phát hiện qua kiểm toán.

Box: Với cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tổng hợp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành, địa phương khác, cũng như kiểm toán chi tiết các dự án có liên quan tới nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại các Bộ, ngành và địa phương.

Thời kỳ được kiểm toán đối với nguồn vốn còn lại của kế hoạch trung hạn 2016-2020 (bao gồm cả dự phòng chung) là từ thời điểm Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 có hiệu lực và các thời kỳ trước sau có liên quan. Đối với nguồn vốn dự phòng 10% tại các Bộ, ngành và địa phương, thời kỳ được kiểm toán từ năm 2016-2020 và các thời kỳ trước sau có liên quan.

Về tổ chức thực hiện, KTNN sẽ thành lập Đoàn Kiểm toán do KTNN chuyên ngành II chủ trì thực hiện kiểm toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, chọn mẫu một số dự án sử dụng vốn đầu tư còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng 10% tại các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện kiểm toán chi tiết. Ngoài ra có thể xem xét chọn mẫu một số Bộ, ngành, địa phương không có phương án tổ chức kiểm toán trong năm 2020 để kiểm toán tổng hợp.

Đối với các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực có phương án tổ chức kiểm toán ngân sách Bộ, ngành và kiểm toán ngân sách địa phương trong đợt 1 và đợt 2 năm 2020, sẽ đưa nội dung kiểm toán tổng hợp tại Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính của các Bộ và tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính của các địa phương trong Đề cương kiểm toán đã được phê duyệt vào kế hoạch kiểm toán của đơn vị để thực hiện kiểm toán.

Ngoài việc tổng hợp kết quả kiểm toán vào Báo cáo kiểm toán của đơn vị, các KTNN chuyên ngành, khu vực gửi kết quả kiểm toán theo mẫu Báo cáo kết quả kiểm toán kèm theo Đề cương này về KTNN chuyên ngành II trước ngày 05/9/2020 để tổng hợp Báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo hướng dẫn, trong quá trình kiểm toán, cần phải áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp kiểm toán để thu thập các bằng chứng kiểm toán. Ngoài các phương pháp kiểm toán cơ bản, tùy nội dung, mục tiêu kiểm toán có thể áp dụng phương pháp kiểm tra hiện trường, thuê/lấy ý kiến chuyên gia, thuê kiểm định chất lượng công trình… Trường hợp thuê chuyên gia, thuê kiểm định chất lượng công trình phải báo cáo và được sự chấp thuận của lãnh đạo KTNN.
PHÚC KHANG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201