(BKTO) - Trong năm 2018, qua kiểm toán 15 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT), trong đó có 8 dự án BOT và 7 dự án BT, KTNN đã phát hiện nhiều sai sót, bất cập, đồng thời chỉ ra lỗ hổng gây thất thoát ngân sách lớn.
Qua kiểm toán các dự án BOT, KTNN đã kiến nghị giảm trên 227 năm thu phí của 67 dự án Ảnh: H.Thành
Kiến nghị giảm chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng
Tại 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN phát hiện, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư. Theo kết quả kiểm toán, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 20,17 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp, mở rộng ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An phải điều chỉnh tăng 10,6 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí phải điều chỉnh tăng 98,7 tỷ đồng...
Cùng với đó, KTNN phát hiện việc phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ (1.180 tỷ đồng cho các hạng mục chi phí đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 (theo đó, kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 sử dụng cho hầm Đèo Cả là 4.958 tỷ đồng).
Đồng thời, KTNN chỉ ra tình trạng sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, nghiệm thu, thanh toán sai. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng, gồm sai khối lượng 115,4 tỷ đồng; sai đơn giá 228,2 tỷ đồng; sai khác 492,8 tỷ đồng…
Năm 2017 trở về trước, qua kiểm toán các dự án BOT, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm thu phí của 67 dự án. Kiến nghị giảm thời gian thu phí của các dự án BOT tiếp tục được KTNN đưa ra sau khi kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018. Cụ thể, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu. Đồng thời, KTNN yêu cầu giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng, trong đó có dự án có tỷ lệ xử lý lớn, đơn cử như Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí phải xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán.
Còn lỗ hổng trong xác định giá đất
Trong năm 2018, KTNN cũng đã thực hiện kiểm toán 7 dự án BT, qua đó phát hiện các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; có dự án được đề xuất mà không thông qua HĐND, như: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1; lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính như tại Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (TP. Hà Nội); thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đây là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn.
Một bất cập nữa được KTNN nêu rõ là việc thương thảo, ký hợp đồng của một số dự án chưa đảm bảo quy định; điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ, như tại Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên chưa quy định cụ thể hình thức thưởng phạt khi vi phạm tiến độ, giá trị và phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất, lịch biểu giao đất của dự án khác. Đặc biệt, có hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát NSNN 282,92 tỷ đồng.
KTNN cũng phát hiện và chỉ ra rằng việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai. Việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT và có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa được giao đất. Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát NSNN. Do giá trị hợp đồng BT tạm tính xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp NSNN khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Ngoài ra, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Chẳng hạn tại Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, mặc dù Hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết Hợp đồng BT và giá không đổi nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, kết quả kiểm toán còn chỉ ra rằng, các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện; có trường hợp tính lãi vay trên phần vốn không phải đi vay vào quyết toán không theo quy định hợp đồng; xác định lãi vay chưa chính xác; sử dụng vốn dự án thanh toán một số chi phí chưa phù hợp quy định. Tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán.
QUỲNH ANH