Thứ Tư, 8/5/2024 - 08:52:00 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kết quả định giá Doanh Nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá: Kỳ I - Sai sót phổ biến trong kiểm kê và phân loại tài sản

THỨ HAI, 05/03/2018 08:45:00 | QUA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Từ năm 2011, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN. Tính đến thời điểm 31/12/2017, đơn vị chủ lực của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán này là KTNN chuyên ngành VI đã hoàn thành phát hành Báo cáo kiểm toán của 9/11 DN và xác định giá trị vốn nhà nước tăng lên 12.561 tỷ đồng/9 DN.

Tổng hợp kết quả kiểm toán những năm vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI cho biết, sai sót phổ biến nhất là các đơn vị đã kiểm kê sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. 

Kiểm kê tài chính, tài sản còn thiếu, sót

Tại một số đơn vị được kiểm toán, KTNN phát hiện đơn vị đã không xử lý các khoản tài chính đủ điều kiện ghi tăng vốn nhà nước như: doanh thu, thu nhập khác, nợ phải thu, nợ phải trả nhưng không phải trả... mà để lại hạch toán vào thu nhập sau thời điểm xác định giá trị DN nên đã làm giảm giá trị cổ phần hóa DN. Hơn nữa, Báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN của một số đơn vị chưa được điều chỉnh theo kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế, Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính của KTNN.

Trong định giá tài sản nhà cửa, vật kiến trúc, một số đơn vị đã không tuân thủ ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm định giá, xác định thiếu chi phí trong suất vốn đầu tư, áp dụng hệ số trượt giá chưa đúng; trường hợp chưa có quy định thì tính theo giá sổ sách, có xét thêm yếu tố trượt giá trong xây dựng cơ bản tại Thông tư 127/2014/TT-BTC nên xác định giá trị tài sản thường bị thấp hơn quy định.
 

Qua kiểm toán kết quả định giá DN, KTNN đã phát hiện nhiều sai sót trong kiểm kê và phân loại tài sản.

Đáng chú ý, việc xác định giá trị tài sản nhà cửa, vật kiến trúc theo chất lượng còn lại cũng chưa phù hợp: có đơn vị tư vấn áp dụng phương pháp lấy bình quân giữa phương pháp thống kê kinh nghiệm và phương pháp phân tích kỹ thuật; có đơn vị chỉ áp dụng theo phương pháp phân tích kỹ thuật. Theo quy định hiện hành thì các đơn vị tư vấn áp dụng các phương pháp này để xác định chất lượng còn lại của tài sản là không trái với quy định, tuy nhiên nếu áp dụng phương pháp khác nhau sẽ cho giá trị tài sản khác nhau..., từ đó ảnh hưởng đến kết quả định giá DN.

Trong xác định giá trị hàng tồn kho (vật tư, phụ tùng, hàng hoá), các đơn vị thường xác định theo giá sổ sách kế toán mà không xác định theo giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị DN. Đối với các vật tư, phụ tùng, hàng hoá nhập khẩu, các đơn vị thường không tính đến biến động của đồng ngoại tệ so với đồng Việt Nam từ thời điểm ghi sổ kế toán đến thời điểm xác định giá trị DN.

Xác định giá trị tài sản chưa chuẩn

Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn còn nêu rõ vấn đề: các Tổ chức tư vấn định giá và các DN đã xác định lại các khoản đầu tư tài chính không đúng quy định về thời điểm xác định giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán; xác định giá trị khoản đầu tư tài chính theo phương pháp vốn chủ sở hữu không căn cứ vào Báo cáo tài chính tại thời điểm tổ chức xác định giá trị DN; kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh.

Mặc dù cơ sở để xác định lợi thế kinh doanh có phạm vi rộng, thời gian dài (giá trị thương hiệu tập hợp chi phí trong 5 năm liền kề; giá trị tiềm năng phát triển đánh giá trên cơ sở so sánh tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị DN với lãi suất của trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 5 năm do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị DN) nhưng Tổ chức tư vấn định giá chưa kiểm tra đầy đủ cơ sở xác định trên mà chủ yếu dựa vào báo cáo của đơn vị, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa phát hiện được sai sót này.

Bất cập nữa là các Tổ chức tư vấn định giá và các DN áp dụng không phù hợp về tính hiệu lực của các văn bản pháp luật khi xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn tại DN khác; nợ phải thu có gốc ngoại tệ chưa được xác định theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng; có đơn vị xác định nợ phải trả có gốc ngoại tệ theo giá bán ra của các ngân hàng thương mại; có đơn vị coi nợ phải trả không phải tài sản của DN nên không xác định lại theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Ngoài ra, một số tài sản chưa được định giá hoặc đã định giá nhưng chưa có đủ cơ sở để xác nhận, được chỉ ra để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN lưu ý khi quyết định công bố giá trị DN, như: xác định lại tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản chưa thu hồi đủ vốn nhưng xác định giá trị còn lại thấp hơn 30% so với chất lượng của tài sản cùng loại đầu tư xây dựng mới; xác định giá trị một số loại tài sản cố định theo nguyên giá tài sản ghi sổ kế toán nhưng không có tài liệu xác định là không có tài sản mới hoặc tương đương để được áp dụng quy định này...

Vấn đề đáng chú ý nữa là một số trường hợp đơn vị tư vấn xác định giá trị DN chỉ xác định theo phương pháp tài sản mà không áp dụng thêm các phương pháp khác, làm ảnh hưởng đến tính chính xác và hợp lý của kết quả xác định giá trị DN.

Chưa hết, trong xác định kết quả định giá quyền sử dụng đất và nhượng bán đất, tài sản trên đất sau thời điểm xác định giá trị DN cũng có nhiều bất cập. Chẳng hạn, đất được Nhà nước giao chưa thu tiền, đơn vị xin chuyển sang thuê trả tiền hàng năm; phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đến thời điểm xác định giá trị DN chưa được trả lời, các đơn vị vẫn thực hiện xác định là đất thuê trả tiền hàng năm và sẽ không được xác định giá thị trường.

Hoặc với đất giao chưa thu tiền, đơn vị có phương án sử dụng đất nhưng không có phương án giá đất trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, quyền sử dụng đất sẽ được tổ chức tư vấn xác định theo biểu giá đất của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ban hành nên giá trị thường chênh lệch với giá thị trường.

Đặc biệt, KTNN phát hiện có tình trạng chuyển nhượng đất thông qua hình thức ban đầu góp quyền sử dụng để liên doanh với công ty bên ngoài nhằm khai thác quỹ đất, liên doanh chưa thực hiện khai thác sử dụng đất thì đã chấm dứt hoạt động và đơn vị ưu tiên nhượng quyền sử dụng đất cho công ty liên doanh, giá chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận, không tổ chức chào giá thị trường, không đấu thầu đấu giá, như vậy không phản ánh đúng giá thị trường, không huy động được các nguồn lực khác tham gia cạnh tranh. (Kỳ sau đăng tiếp)

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 01-03-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201