Thứ Bảy, 20/4/2024 - 10:58:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải: Kỳ I - Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1 bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế

THỨ HAI, 12/11/2018 08:20:00 | QUA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Với mục tiêu cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam và hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hệ thống, đáp ứng chương trình phát triển nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (Dự án Duyên Hải 1) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai và giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Công nghệ cao, suất đầu tư thấp hơn dự án tương tự

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã được Hội đồng quản trị (HĐQT) của EVN phê duyệt theo Quyết định số 508/QĐ-EVN ngày 28/8/2008 và điều chỉnh tại Quyết định số 333/QĐ-EVN ngày 29/6/2009. EVN làm chủ đầu tư Dự án này từ khi triển khai đến ngày 26/4/2013, sau đó bàn giao cho Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO1) tiếp tục làm chủ đầu tư.

Dự án được xếp vào nhóm A, có công suất thiết kế 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện sản xuất thương phẩm hằng năm khoảng 7,8 tỷ kWh. Công nghệ được lựa chọn cho Dự án là công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống có độ tin cậy cao, công suất tổ máy cao nhất trong các công nghệ phát điện, tuổi thọ nhà máy cao 30 năm và đa dạng hóa việc sử dụng nguyên liệu so với các công nghệ khác.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, công tác lập, thẩm định và phê duyệt Dự án được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và ý kiến tham gia của các Bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Trà Vinh. EVN đã phê duyệt Dự án đầu tư đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

KTNN cũng đánh giá, tổng mức đầu tư Dự án ban đầu được lập, thẩm định phê duyệt cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP và Thông tư số 05/2007/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng. Sau khi phương án sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Séc (CEB) và nhà thầu thi công Skoda Praha của Cộng hòa Séc không đáp ứng được yêu cầu tiến độ và công suất của Dự án, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn đồng ý cho EVN ngừng đàm phán. Tại Công văn số 475/TTg-KTN ngày 19/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh Dự án, HĐQT EVN phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án là 29.245,7 tỷ đồng. Như vậy, so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 18.981,1 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của Dự án đã tăng hơn 10.200 tỷ đồng.
Theo KTNN, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng trong quản lý, triển khai thực hiện Dự án, kết quả bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế. Suất đầu tư theo tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án sau thẩm định là 1.050 USD/kWh, thấp hơn so với một số dự án nhà máy nhiệt điện khác có quy mô công suất tương tự như: Mông Dương 1 (1.644 USD/kWh), Vĩnh Tân 4 (1.470 USD/kWh), Sông Hậu 1 (1.751 USD/kWh), Nghi Sơn 2 (1.840 USD/kWh). Tuy nhiên, tổng mức đầu tư còn chưa được tính toán cụ thể, chi tiết dẫn đến chi phí thực hiện đầu tư cao hơn tổng mức đầu tư được duyệt số tiền 3.185 tỷ đồng.

EVN còn hạn chế trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Dự án

Qua kiểm toán, KTNN còn chỉ ra một số hạn chế trong công tác khảo sát địa chất phục vụ lập thiết kế cơ sở dẫn đến việc phải thay đổi phương án thi công; trong lập dự án đầu tư, thuyết minh thiết kế cơ sở điều chỉnh thiếu nội dung đánh giá ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, nguồn vốn của Dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ, vì vậy, khi thương thảo vay vốn nước ngoài, EVN đã không lường hết được các chi phí đi vay như: lãi suất, phí bảo hiểm tín dụng, phí thu xếp… để ghi nhận vào tổng mức đầu tư. 

Bên cạnh đó, EVN đã phê duyệt Dự án và điều chỉnh Dự án khi chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở, EVN không gửi báo cáo đầu tư đến Bộ Công Thương tham gia ý kiến. Ngoài ra, Báo cáo kết quả thẩm định của Tổ thẩm định thuộc EVN không đầy đủ các nội dung như: tiến độ thực hiện dự án; phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; khả năng huy động vốn đáp ứng tiến độ của dự án; các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường của dự án… Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư chưa chính xác do một số hạng mục, chi phí chưa được tính toán cụ thể, chi tiết, chỉ tạm tính để dự trù vốn đầu tư.

Về tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán Dự án, KTNN nhận định: Trên cơ sở các tài liệu do đơn vị cung cấp, dựa trên các bằng chứng thu thập được, xét trên các khía cạnh trọng yếu, ngoại trừ những ảnh hưởng có thể có do giới hạn kiểm toán và những bất cập trong việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, Báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư đến 30/6/2016 do Ban Quản lý Dự án lập phản ánh trung thực, khách quan, hợp lý về nguồn vốn, chi phí đầu tư thực hiện và được chấp nhận từng phần theo nội dung Báo cáo kiểm toán, trong đó, giá trị chi phí đầu tư báo cáo là gần 32.431,5 tỷ đồng còn giá trị được kiểm toán xác nhận là gần 27.912,3 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN xác định phải giảm trừ nguồn vốn đầu tư 43,6 tỷ đồng do hạch toán sai nguồn vốn của Dự án Duyên Hải 3 vào Dự án Duyên Hải 1 và giảm trừ hơn 4,5 tỷ đồng chi phí đầu tư Dự án.

Liên quan đến tiến độ của Dự án, KTNN ghi nhận, theo phê duyệt, tiến độ đưa vào vận hành Tổ máy số 1 là tháng 9/2013 và Tổ máy số 2 là tháng 3/2014 nhưng thực tế, Tổ máy số 1 hoàn thành phát điện thương mại vào ngày 04/01/2016 và Tổ máy số 2 hoàn thành phát điện thương mại vào ngày 18/01/2016. Còn theo Hợp đồng EPC, ngày hoàn thành đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 là ngày 26/7/2015, Tổ máy số 2 là ngày 26/9/2015. Trên thực tế, Dự án đã được khởi công ngày 19/9/2010, tiến độ thực hiện theo hợp đồng được tính từ ngày 26/9/2011 (thời gian hoàn thành Tổ máy số 1 là 46 tháng, Tổ máy số 2 là 48 tháng). Tính đến thời điểm cấp Chứng chỉ nghiệm thu tạm thời PAC cho 2 tổ máy, Tổ máy số 1 đã chậm tiến độ 5,5 tháng; Tổ máy số 2 chậm tiến độ 4 tháng. Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư và tổng thầu chưa làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm các bên về những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra làm cơ sở phạt chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng đã ký. (Kỳ sau đăng tiếp)

ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201