Thứ Bảy, 20/4/2024 - 18:55:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới trên Quốc lộ 2: Nhiều bất cập gây khó khăn, kém hiệu quả trong quản lý, khai thác Dự án

THỨ NĂM, 07/06/2018 08:10:00 | QUA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Năm 2017, KTNN đã thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô trên Quốc lộ 2 theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) (Dự án). Qua kết quả kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc quản lý đối với hình thức dự án BOT, cũng như những sai sót trong triển khai thực hiện Dự án.

Một số bất cập về quản lý nhà nước

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô trên Quốc lộ 2 (cầu Việt Trì mới) có chiều dài 3,11km, nguồn vốn đầu tư là 1.176,381 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn), thời gian hoàn vốn dự kiến 18 năm 6 ngày. Dự án do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Theo đánh giá của KTNN, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng và chế độ tài chính - kế toán của Nhà nước đã cơ bản được chấp hành. Tuy nhiên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Dự án, quản lý tiến độ, chất lượng… còn sai sót, hạn chế. Đặc biệt, kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế do các quy định về quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT còn thiếu hoặc chưa đồng bộ.

KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót trong triển khai thực hiện Dự án. Ảnh: TTXVN

Kết quả kiểm toán cho thấy, việc quy hoạch giao thông của tỉnh Phú Thọ được duyệt chưa đồng bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt Dự án và thực hiện các bước tiếp theo trước khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án được phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã xin phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án từ nguồn vốn NSNN mà chưa xem xét hết khả năng cân đối nguồn vốn cũng như các yếu tố liên quan, dẫn đến phải điều chỉnh sang hình thức BOT; trên đoạn sông Lô, sông Hồng, có 3 cầu đã, đang xây dựng và khai thác. Đồng thời, việc mở thêm nút giao IC7 tại Km48+890 đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai giúp giảm 15km cho các phương tiện đi từ Hà Nội đến TP. Việt Trì và ngược lại đã ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua cầu Việt Trì, tác động không nhỏ đến phương án tài chính của Dự án.

Đề cập đến những bất cập trong chính sách thực hiện dự án BOT, kết quả kiểm toán cho thấy, hiện vẫn chưa có quy định về việc các dự án BOT phải đánh giá sức chi trả, khả năng chi trả của các đối tượng tham gia giao thông khi xác định mức thu phí để tính toán thời gian hoàn vốn của Dự án trong phương án tài chính ban đầu và phương án tài chính điều chỉnh theo báo cáo quyết toán giá trị hợp đồng của Dự án. Do đó, việc chỉ căn cứ vào khung mức tăng giá thu phí theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính có thể dẫn đến tình trạng mức thu phí đảm bảo theo hướng dẫn nhưng lại vượt quá khả năng chi trả của đối tượng tham gia giao thông.

Ngoài ra, căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, các dự án BOT xác định chi phí quản lý thu phí trong hợp đồng BOT với tỷ lệ tối đa không quá 15%; thực tế, Dự án thực hiện với mức 7% nên đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý kiểm tra, kiểm soát. Hiện tại, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 159/2013/TT-BTC thay thế Thông tư số 90/2004/TT-BTC, tuy nhiên, Thông tư số 159/2013/TT-BTC lại chưa quy định cụ thể về khung tỷ lệ chi phí quản lý thu phí đối với các dự án BOT...

Những bất cập, hạn chế trên đã làm cho việc quản lý, triển khai và đưa Dự án vào hoạt động gặp khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Sai sót và hạn chế trong triển khai Dự án

Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, nhà thầu đã thay đổi bán kính đường cong đứng trên trắc dọc cầu vượt đường sắt từ R4000m (tương ứng vận tốc thiết kế 80km/h) xuống R2500m (tương ứng vận tốc thiết kế 60km/h) nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư. Vì vậy, đã phải châm chước giảm cao độ đáy dầm nhịp T9-M2 xuống thấp hơn mực nước H1% khoảng 0,87m so với quy định tại điều 1.27 quy trình 22TCN 18-79.

Về quản lý tiến độ, Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 11/2015 - chậm 5 tháng so với kế hoạch được duyệt, dẫn đến làm chậm thời gian bắt đầu thu phí 6 tháng 6 ngày.

Đánh giá về việc chấp hành chế độ quản lý tài chính - kế toán cho thấy, đơn vị chưa giảm trừ nguồn vốn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) được hoàn trong nguồn vốn vay để giảm trừ chi phí lãi vay trong phương án tài chính theo quy định số tiền 899 triệu đồng. Mặc dù mức thu phí thực tế đã được điều chỉnh giảm so với phương án tài chính nhưng đến thời điểm kiểm toán, đơn vị mới chỉ điều chỉnh 2/5 nhóm thu phí (nhóm 4 giảm từ 140 nghìn đồng/lượt xuống còn 120 nghìn đồng/lượt; nhóm 5 từ 200 nghìn đồng/lượt xuống còn 180 nghìn đồng/lượt).

Cùng với đó, đơn vị cũng chưa cập nhật doanh thu Dự án từ lãi tiền gửi 3,8 tỷ đồng của năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017; chưa điều chỉnh lại chỉ số trượt giá thực tế năm 2016 là 4,74% theo số liệu do Tổng cục Thống kê ban hành, dẫn đến chưa điều chỉnh chi phí quản lý, vận hành Dự án, chi phí bảo trì hằng năm giảm tương ứng (chỉ số được áp dụng là 6,5% theo thời điểm ký kết hợp đồng BOT); chưa điều chỉnh, cập nhật lại chỉ số lãi vay đối với phần vốn vay tại thời điểm lập phương án điều chỉnh theo quy định tại Biên bản thương thảo Hợp đồng và Hợp đồng số 45/BOT-BGTVT từ 11% xuống 7,02% cho các năm từ 2018 trở đi. 

Kiến nghị xử lý tài chính và giảm thời gian thu phí

Theo số liệu báo cáo, nguồn vốn đầu tư thực hiện Dự án là 1.176,381 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN xác định nguồn vốn đầu tư là 1.175,491 tỷ đồng, giảm 890 triệu đồng so với số báo cáo, nguyên nhân do giảm chi phí lãi vay.

Về chi phí đầu tư thực hiện Dự án, số liệu báo cáo là 1.292,650 tỷ đồng. Sau khi thực hiện kiểm toán, KTNN xác nhận chi phí đầu tư thực hiện Dự án là 1.155,929 tỷ đồng, giảm gần 136,721 tỷ đồng do sai khối lượng (26,412 tỷ đồng) và chưa đủ điều kiện quyết toán (110,308 tỷ đồng). Cùng với việc phát hiện phương án tài chính tính toán còn sai sót, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 5 năm 3 tháng 24 ngày so với phương án nhà đầu tư đang trình duyệt điều chỉnh.   

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GTVT: Cần tăng cường chất lượng công tác phê duyệt, quản lý quy hoạch giao thông đảm bảo tính ổn định, đồng bộ và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; Tăng cường chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; Chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót Báo cáo kiểm toán đã nêu.

NGUYỄN NAM
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 7-6-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201