Thứ Năm, 28/3/2024 - 22:27:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính sách Bảo hiểm y tế cho người nghèo giai đoạn 2010-2012: Góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội

THỨ NĂM, 16/04/2015 07:10:00 | QUA KẾT QUẢ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Với số lượng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cấp phát cho các đối tượng chính sách tăng hàng năm, số lượt người tham gia khám chữa bệnh (KCB) liên tục tăng và tổng số tiền chi KCB cho người nghèo năm sau cao hơn năm trước, chính sách BHYT cho người nghèo giai đoạn 2010-2012 đã phát huy ý nghĩa thiết thực giúp người nghèo có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Cấp miễn phí thẻ BHYT cho người nghèo góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ảnh: T.S  
 
“Chiếc phao” cứu sinh cho người nghèo

Hiệu quả của chính sách này đã được minh chứng qua kết quả kiểm toán của KTNN tại 42 tỉnh, thành phố và 4 Bộ, ngành liên quan. Theo đánh giá của KTNN, một trong những điểm ưu việt nhất của chính sách BHYT cho người nghèo là việc quy định mức hỗ trợ từ NSNN để mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; cấp miễn phí thẻ BHYT cho người nghèo góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc người nghèo được cấp BHYT như là “chiếc phao” cứu sinh giúp họ giảm gánh nặng về tài chính trong việc KCB. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2012, cơ quan này đã cấp phát cho người nghèo trên toàn quốc 42.669.163 thẻ BHYT với tổng số tiền đã đóng góp, hỗ trợ là trên 18,6 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, việc tiếp cận dịch vụ y tế của những đối tượng này đã được cải thiện rõ rệt, quyền lợi trong KCB từng bước được mở rộng.

Kết quả kiểm toán, đánh giá tổng quát công tác tham gia BHYT, công tác KCB BHYT và kiểm toán tổng hợp chi phí KCB cho người nghèo giai đoạn 2010-2012 cho thấy, số người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu năm 2010 có xấp xỉ 14,3 triệu người tham gia (chiếm 27,16% số người tham gia BHYT) thì đến năm 2012 con số này đã tăng lên hơn 15,8 triệu người.  Kèm theo đó, tổng số thu về Quỹ BHYT của đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số trên cả nước cũng tăng từ 5 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên hơn 7 nghìn tỷ năm 2012; tổng số chi KCB cho người nghèo, dân tộc thiểu số từ Quỹ BHYT của cả nước trong 3 năm là trên 12 nghìn tỷ đồng, với gần 64 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số của cả nước đi KCB (bình quân một người tham gia BHYT đi KCB khoảng trên 4 lần/năm). Số tiền bình quân cho một lần KCB của cả giai đoạn là 191,5 nghìn đồng. 

Theo nhận định của KTNN, chính sách BHYT cho người nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn về cơ bản đã được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được một số mục tiêu; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được KCB, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ổn định cuộc sống hơn, góp phần vào thành công của chương trình giảm nghèo chung tại nhiều địa phương. Hàng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn các tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm nghìn lượt người nghèo đến khám và điều trị.

Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị

BHYT cho người nghèo là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, song để chính sách này phát huy hiệu quả thì sự cố gắng, nỗ lực trong phối hợp thực hiện của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương đóng vai trò quan trọng. Qua kiểm toán tổng hợp tại các sở, ban, ngành liên quan và kiểm toán chi tiết tại cấp tỉnh, huyện, xã cho thấy, Ban chỉ đạo, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có sự phối hợp tổ chức triển khai chính sách này. Các địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, phối hợp điều hành giữa các cơ quan có liên quan. Nhiều địa phương đã tổ chức bình xét theo đúng quy trình, có sự phối hợp trong việc bình xét, tổng hợp danh sách, in, cấp phát thẻ BHYT; tổ chức KCB cho người nghèo và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho người nghèo tương đối kịp thời; công tác KCB, giám định BHYT ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo được thực hiện khá tốt. Tại Trung ương, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp trong việc kiểm tra KCB BHYT và kiểm tra tại các cơ sở KCB. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm như lạm dụng thuốc, xét nghiệm, dịch vụ y tế… Tại địa phương, hàng năm các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Việc thực hiện chính sách BHYT nói chung và cho người nghèo cũng như các đối tượng chính sách khác nói riêng đã thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với sức khỏe người dân và hoạt động KCB trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Thông qua việc thực hiện chính sách, các cơ quan chức năng, các đơn vị địa phương đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm đóng góp vào việc thực hiện chính sách giàu ý nghĩa nhân văn này.

Nhằm thực hiện tốt hơn quyền được tiếp cận dịch vụ y tế của người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ 01/01/2015 quy định: NSNN mua thẻ BHYT với mệnh giá 100% cho người thuộc hộ nghèo, khi đi KCB đối tượng này không phải đồng chi trả (trước đây đồng chi trả 5%). Đối với người thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% và chỉ phải đồng chi trả 5% chi phí (theo luật cũ phải đồng chi trả 20%). Đối với người thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở vùng khó khăn thì có thể được KCB vượt tuyến trong phạm vi tuyến tỉnh vẫn được thanh toán 100%. Đối với đối tượng là các hộ diêm dân và học sinh, sinh viên thì Nhà nước hỗ trợ 30-50%. 

NGUYỄN HỒNG

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201