Thứ Bảy, 27/4/2024 - 10:15:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải

THỨ HAI, 01/03/2021 09:10:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Theo đề xuất của nhiều chuyên gia giao thông, để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế giao thông, cần đưa ra các giải pháp đúng đắn, trong đó ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu, tiến tới hình thành một số DN vận tải hàng hoá đa phương thức quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh.


Cần đưa ra các giải pháp đúng đắn để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế giao thông. Ảnh: V.Tuân

Ùn tắc giao thông gây lãng phí năng lượng, ô nhiễm môi trường

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu thời gian qua đã được lồng ghép, thúc đẩy trong chính sách phát triển của ngành GTVT và đã đem lại một số kết quả tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, ngành GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngày càng được tăng cường; mức tiêu chuẩn khí thải được xây dựng theo hướng ngày càng nâng cao. Bộ GTVT đã ban hành quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống; xe mô tô, xe gắn máy cũng như phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy…

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giao thông, những vấn đề khó khăn mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt đó là, cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường từ GTVT. Bên cạnh đó, việc quy hoạch biển báo giao thông đang vô cùng bất cập, đặc biệt là tại các thành phố lớn hiện nay. Bởi khi biển báo được đặt một cách bất hợp lý, thiếu khoa học thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trở nên trầm trọng hơn, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng. 

Phân tích kỹ vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam Nguyễn Hồng Thái cho hay, khi tình trạng ùn tắc giao thông trong các đô thị diễn ra, sự lãng phí nhiên liệu tăng lên, đồng thời ô nhiễm càng gia tăng do khối lượng phương tiện dồn ứ không di chuyển được. Đáng chú ý, hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Trong khi nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. “Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ làm lãng phí năng lượng mà còn đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân” - ông Thái nhấn mạnh.

Cần ưu tiên phát triển phương tiện ít tiêu tốn nhiên liệu

Từ thực trạng của hệ thống giao thông ở Việt Nam và kinh nghiệm giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Hồng Thái đề xuất, ngành GTVT cần triển khai những giải pháp như quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, cần lồng ghép việc giảm nhẹ khí phát thải nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển GTVT; đồng thời ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mặt khác, cần phổ biến thông tin đến các DN vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như: hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch... nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, thời gian tới cần ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu như: đường sắt, đường thủy tiến tới hình thành một số DN vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ - đường sắt - đường biển, hoặc đường bộ - đường thuỷ - đường biển. Đối với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngành giao thông đã và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật; có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, ngành GTVT sẽ tiếp tục triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu; từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; kết hợp các nguồn lực tổ chức nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch tái tạo… góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201