Thứ Tư, 24/4/2024 - 01:27:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Những quyết sách tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế

THỨ HAI, 29/06/2020 09:15:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Sau gần một tháng làm việc, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra. Kỳ họp không chỉ tạo nền móng nhằm tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội mà còn tạo nên dấu ấn đặc biệt với nhiều quyết sách lớn được thông qua để tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho quá trình khôi phục và phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, được cộng đồng DN và nhân dân đánh giá cao.


Kỳ họp tạo nên dấu ấn đặc biệt với nhiều quyết sách lớn được thông qua. Ảnh: TTXVN

Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy hội nhập

Tại Kỳ họp, trên cơ sở thảo luận, xem xét thận trọng và toàn diện các yếu tố, Quốc hội quyết định kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2020; đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; quyết định điều chỉnh phương thức đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn NSNN. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đây là những chính sách rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay, góp phần kịp thời tháo gỡ một phần khó khăn cho nông dân, DN, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư công…

Kỳ họp thứ 9 cũng ghi dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với tỷ lệ tán thành cao. Đây là thủ tục pháp lý cuối cùng để Hiệp định có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới. Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đánh giá: Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này trong bối cảnh Việt Nam vừa ra khỏi dịch Covid-19 và đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế càng có ý nghĩa quan trọng, là động lực để chúng ta phát triển. Chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường các nền kinh tế lớn trên thế giới; có thể khai thông dòng chảy vốn FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

Tại Kỳ họp, sau khi xem xét các báo cáo của Chính phủ, KTNN và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018. Trong đó yêu cầu Chính phủ có các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và báo cáo Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019.

Đặc biệt, trước kiến nghị của các đại biểu Quốc hội cho rằng tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN còn chưa cao, ảnh hưởng đến việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu, hằng năm, khi trình quyết toán, Chính phủ phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán các năm trước. Điều này được đại biểu Quốc hội đánh giá cao và kỳ vọng sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới.

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021; bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020. Đây là những điều chỉnh cần thiết nhằm tập trung nguồn lực cho khôi phục và phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đ.KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201