Thứ Sáu, 29/3/2024 - 22:24:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Một số vấn đề trong kiểm toán xác định giá trị phần vốn nhà nước theo phương pháp dòng tiền chiết khấu

THỨ NĂM, 02/05/2019 08:30:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Xác định giá trị phần vốn nhà nước là một khâu quan trọng trước khi tiến hành cổ phần hóa (CPH) DNNN. Việc sử dụng phương pháp định giá phù hợp sẽ vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như khả năng thành công của quá trình chào bán cổ phần. Do đó, khi thực hiện kiểm toán cần hiểu rõ đặc điểm của từng phương pháp định giá để có thể đưa ra nhận xét, đánh giá phù hợp.

Trong giai đoạn Thông tư số 127/2014/TT-BTC còn hiệu lực, văn bản đã quy định cụ thể về cách thức thực hiện xác định giá trị phần vốn nhà nước theo phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Ưu điểm của phương pháp dòng tiền chiết khấu là dễ tính toán, đã bao gồm tiềm năng phát triển và khả năng sinh lời của DN. Tuy nhiên, phương pháp có một số hạn chế về độ tin cậy của kết quả do bị phụ thuộc nhiều vào tính tin cậy của dữ liệu tính toán…
 
Thực tế kiểm toán cho thấy, các DN CPH và đơn vị định giá hầu như chỉ áp dụng phương pháp tài sản. Đến khi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC được ban hành thay thế các Nghị định, Thông tư số 127/2014/TT-BTC, giá trị phần vốn nhà nước bắt buộc phải được xác định theo ít nhất hai phương pháp và giá trị xác định không được thấp hơn giá trị phương pháp tài sản. Như vậy, trong thời gian tới, ngoài phương pháp tài sản chắc chắn được áp dụng thì phương pháp dòng tiền chiết khấu nhiều khả năng sẽ được lựa chọn với vai trò là phương pháp định giá thứ hai. 
 

Kiểm toán viên nhà nước tác nghiệp tại hiện trường - Ảnh tư liệu

Tuy vậy, các văn bản mới không hướng dẫn chi tiết nội dung phương pháp dòng tiền chiết khấu mà chỉ yêu cầu phải tuân thủ các quy định về thẩm định giá, cụ thể ở đây là các tiêu chuẩn thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành (TCĐGVN). Các TCĐGVN có liên hệ trực tiếp nhất bao gồm TCĐGVN số 12 - Tiêu chuẩn thẩm định giá giá trị DN ban hành kèm theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC, TCĐGVN số 10 - Cách tiếp cận từ thu nhập ban hành kèm theo Thông tư số 126/2015/TT-BTC. Như vậy, trong thời gian tới, việc kiểm toán công tác định giá bằng phương pháp dòng tiền chiết khấu sẽ đòi hỏi Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) và KTNN tìm hiểu, nghiên cứu các quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá, từ đó đánh giá được các rủi ro có sai sót trọng yếu và thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp. 

Tương tự như một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, KTVNN cũng cần thu thập thông tin về đơn vị CPH, đơn vị tiến hành định giá để đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu. Một số rủi ro có sai sót trọng yếu có thể kể đến bao gồm: đơn vị/tổ chức, cá nhân có liên quan về trách nhiệm, lợi ích đến quá trình CPH có thể can thiệp vào kết quả định giá thông qua các biện pháp tài chính, kế toán; đơn vị định giá thiếu kinh nghiệm trong công tác định giá bằng phương pháp dòng tiền, thiếu cán bộ định giá có chứng chỉ chuyên môn, thiếu tính độc lập do đã hoặc đang cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn cho đơn vị CPH; giá trị dòng tiền sử dụng trong tính toán hầu hết đều phát sinh trong thời kỳ tương lai, mang tính chất dự báo do đó có rủi ro cao về tính hợp lý và độ tin cậy trong nguồn dữ liệu sử dụng để dự báo và phương pháp dự báo…

Đối với rủi ro sai sót đến từ đơn vị CPH và đơn vị định giá, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, Tổ kiểm toán cần thu thập thông tin về cả đơn vị CPH và đơn vị tư vấn để phát hiện và xác định những yếu tố tiềm ẩn rủi ro sai sót trong kết quả định giá. Những thông tin này không giới hạn ở các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên chính thống mà có thể trích xuất, khai thác từ các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, KTVNN có thể vận dụng các hướng dẫn trong Chuẩn mực KTNN số 1402 - Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài trong kiểm toán tài chính do trong trường hợp này đơn vị CPH sử dụng dịch vụ tư vấn định giá của đơn vị định giá.

Đối với rủi ro sai sót trong quá trình tính toán, nguyên lý của phương pháp rất rõ ràng, dựa trên các lý thuyết tài chính cơ bản. Theo đó, giá trị DN xác định theo phương pháp dòng tiền chiết khấu theo TCĐGVN số 12 được xếp vào nhóm cách tiếp cận từ thu nhập, bao gồm 3 phương pháp cụ thể là chiết khấu dòng tiền tự do của DN, chiết khấu dòng cổ tức và chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu. Nhìn chung cả 3 phương pháp đều được tính toán bằng cách chiết khấu dòng tiền với một hệ số chiết khấu nhất định và cộng thêm giá trị các tài sản phi hoạt động. Trong cách tiếp cận như trên, các sai sót trong kết quả định giá nếu có sẽ xuất phát từ sai sót ở các tham số tham gia tính toán và các dữ liệu đầu vào. Với các tham số, dữ liệu có rủi ro cao về độ tin cậy, KTVNN cần thu thập bằng chứng kiểm toán nhằm đánh giá mức độ tin cậy của nguồn số liệu đầu vào trên cơ sở áp dụng các văn bản hướng dẫn của KTNN (Chuẩn mực KTNN số 1500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính, Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán). KTVNN cũng cần rà soát, đối chiếu chéo thông tin số liệu dòng tiền mà đơn vị CPH và đơn vị tư vấn đang áp dụng để phát hiện những mâu thuẫn, bất hợp lý. 

Mặt khác, KTVNN cần đồng thời đánh giá mức độ hợp lý trong phương pháp dự báo xây dựng dòng tiền tương lai mà đơn vị tư vấn áp dụng trên một số góc độ sau đây: Khoảng thời gian dự báo có đủ dài và trong thời gian đó có giao dịch kinh tế hay sự kiện bất thường ảnh hưởng đến dòng tiền không.

Xem xét dòng tiền đã tính đến ảnh hưởng của các sai sót và điều chỉnh kế toán mang tính chất hồi tố hay chưa do các báo cáo tài chính được sử dụng làm cơ sở để dự báo dòng tiền không phản ánh các điều chỉnh kế toán hồi tố (ví dụ: sai sót năm 2014 nếu phát hiện năm 2016 thì điều chỉnh vào số dư đầu kỳ báo cáo tài chính 2016 mà không phản ánh lại trên báo cáo tài chính 2014).

Xem xét mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong bối cảnh tương lai để đánh giá tác động của các yếu tố như: cơ cấu vốn, quy mô sản xuất kinh doanh, mô hình hoạt động, cấu trúc quản trị sau khi cổ phần hóa tới dự báo dòng tiền cũng như hệ số chiết khấu.

Ngoài tác động của yếu tố tính tin cậy, hợp lý của dòng tiền dự báo, kết quả định giá cũng chịu tác động đáng kể của giá trị hệ số chiết khấu. Ba phương pháp định giá theo TCĐGVN sử dụng hai hệ số chiết khấu chính là chi phí sử dụng vốn bình quân WACC (dòng tiền tự do) và chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu Re (dòng cổ tức, dòng tiền thuần vốn chủ). Việc tính toán chi phí sử dụng vốn bình quân hay vốn chủ sở hữu cũng cần được KTVNN kiểm tra kỹ lưỡng, đặc biệt là nguồn dữ liệu được sử dụng và phương pháp thống kê.  

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, KTVNN cũng cần đánh giá sơ bộ tính chính xác của dòng tiền dự báo bằng cách so sánh với số liệu kết quả đã thực hiện của thời kỳ hiện hành. Ngoài ra, KTVNN nên đồng thời đánh giá mức độ biến động của kết quả xác định giá trị DN dưới tác động của các tham số đầu vào (hay còn gọi là đánh giá độ nhạy cảm). 

Cũng theo quy định của TCĐGVN số 12, phương pháp định giá theo dòng tiền chiết khấu cần xác định hai nhóm tài sản chính của DN là tài sản hoạt động và tài sản phi hoạt động. Giá trị DN sẽ bằng giá trị hiện tại thuần dòng tiền đem lại từ các tài sản hoạt động cộng với giá trị của các tài sản phi hoạt động. KTVNN cần thận trọng xem xét việc phân loại giữa hai nhóm tài sản này do đây là một trong những nội dung có thể bị lợi dụng để thao túng làm thay đổi kết quả định giá. Mặt khác, việc định giá giá trị các tài sản phi hoạt động sẽ cần áp dụng nhiều tiêu chuẩn định giá khác (ví dụ định giá quyền sử dụng đất sẽ cần TCĐGVN số 11, bằng sáng chế sẽ cần TCĐGVN số 13) dẫn tới yêu cầu KTVNN cần lưu ý nghiên cứu và tìm hiểu cả những TCĐGVN khác.

Cuối cùng, KTVNN cần yêu cầu đơn vị định giá cung cấp bảng tính dạng điện tử do đây là nguồn dữ liệu quan trọng và giúp KTV thao tác dễ dàng trong việc kiểm tra tính toán. Tuy nhiên, KTVNN cần đối soát chặt chẽ tính thống nhất giữa tài liệu điện tử và báo cáo kết quả định giá dạng văn bản để phòng tránh rủi ro bảng tính cung cấp không phải là bảng tính cuối cùng hoặc đã bị chỉnh sửa.

Có thể thấy rằng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định một nguyên tắc chung đối với phương pháp định giá là phải phù hợp các quy định về thẩm định giá. Thực tế này đòi hỏi KTNN cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về công tác thẩm định giá cho KTVNN. Đồng thời, mỗi KTVNN cũng cần tích cực nghiên cứu tìm hiểu lĩnh vực thẩm định giá, kết hợp sáng tạo với các kinh nghiệm kiểm toán đã có trước đây để mang lại hiệu quả kiểm toán cao.


VŨ MINH ĐỨC
KTNN chuyên ngành VI

Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201