Thứ Sáu, 29/3/2024 - 23:06:06 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Từ kết quả kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ- Kỳ III: Những vấn đề đặt ra sau cuộc kiểm toán

THỨ TƯ, 06/03/2019 11:45:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Cuộc kiểm toán việc thực hiện một số giải pháp giảm sử dụng túi ni lông được KTNN thực hiện mới chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương (TP.HCM), nên chưa bao quát được hết những vấn đề trên phạm vi toàn quốc, chưa kiểm toán những giải pháp thuộc về mục tiêu thu gom tái chế nhưng qua kiểm toán cũng đã phát hiện một số hạn chế trên cấp độ toàn quốc như không có một định nghĩa rõ ràng về túi ni lông khó phân hủy gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện, các lỗ hổng chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật…

Các văn bản quy định đối với túi ni lông còn bất cập, chưa đồng bộ

KTNN đánh giá, các văn bản hướng dẫn Luật thuế BVMT quy định người sản xuất/người nhập khẩu chỉ cần có văn bản cam kết để đóng gói sẵn hàng hóa do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói thì không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Nhưng hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra việc thực hiện cam kết đóng gói hàng hóa dẫn tới có khách hàng mua túi, bao bì sử dụng để đựng hàng hóa khi bán hàng, mua để bán lại, mua về để lồng vào bên trong sản phẩm bao bì dệt của mình, tiêu dùng nội bộ,... nhưng vẫn cam kết về đóng gói sản phẩm. Qua đó cho thấy, khách hàng sẵn sàng ký cam kết trong khi không có hàng hóa, sản phẩm đóng gói nhằm mục đích DN, hộ kinh doanh (người bán) không phải nộp thuế BVMT.
Ngoài ra, loại túi ni lông chữ T (loại túi có thành túi, miệng túi, quai xách, có thể đựng sản phẩm trong đó) không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT do không có đáy túi. Trên thực tế các sản phẩm trên đang được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt (dùng đựng các loại ly trà sữa, cà phê, nước ép, sinh tố...) và thải bỏ trực tiếp ra môi trường.

Túi ni lông chữ T hiện không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT

KTNN cũng chỉ ra rằng, Đề án và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến túi ni lông chưa đưa ra định nghĩa và phân loại rõ về túi ni lông khó phân hủy cần hạn chế sử dụng, do đó, các văn bản của TP.HCM liên quan đến việc thực hiện Đề án không làm rõ được túi ni lông khó phân hủy là đối tượng cần hạn chế bao gồm hay không bao gồm những loại túi có chất liệu PE được sử dụng làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, loại túi ni lông làm từ chất liệu khác như túi PP, PA, PVC.., túi ni lông xuất khẩu, túi ni lông nhập khẩu, túi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông công nghiệp. Từ đó gây khó khăn cho công tác chỉ đạo thực hiện, khảo sát, phân tích và đánh giá.

Việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh túi ni lông, trước đây được quy định cụ thể tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/2/2017 không có các quy định cụ thể đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất túi ni lông.

Cần quy định cụ thể các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất túi ni lông

Qua kiểm toán, từ thực trạng và những bất cập trong cơ chế và điều hành, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cũng kiến nghị Bộ TN&MT và Cục thuế TP.HCM thanh tra, xử lý các đơn vị vi phạm; kiến nghị UBND TP.HCM thực hiện và chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành.
Ngoài ra, KTNN kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP với chế tài xử lý cụ thể những vi phạm trong lĩnh vực sản xuất túi ni lông, cũng như ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy có chiều dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet theo Đề án của Chính phủ. Bộ cũng cần xem xét bổ sung quy định tại Thông tư 07/2012/TT-BTNMT về tỷ lệ thu hồi tái chế và điều kiện bắt buộc phải thực hiện kế hoạch thu hồi tái chế đối với các DN sản xuất túi ni lông. Đối với Bộ Tài chính, KTNN kiến nghị cần tham mưu trình Chính phủ sửa đổi quy định về bao bì sử dụng để đóng gói sản phẩm thuộc đối tượng phải nộp thuế BVMT để tránh thất thu thuế và khuyến khích sử dụng các túi ni lông thân thiện môi trường, cũng như bổ sung đầy đủ đối tượng chịu thuế BVMT đối với các loại túi ni lông khó phân hủy chưa thuộc diện chịu thuế…

Ba câu hỏi đặt ra cần tìm lời giải đáp

Cuộc kiểm toán kết thúc đặt ra nhiều câu hỏi mở, nhiều băn khoăn chưa được giải đáp. Thứ nhất, liệu túi ni lông tự phân hủy sinh học, là đối tượng được khuyến khích, có thực sự thân thiện với môi trường không, trong khi thành phần của túi ni lông vẫn là 90-99% là hạt nhựa PE giống như túi ni lông khó phân hủy và 1-10% là chất xúc tác “phân hủy sinh học”.

Khuyến khích sản xuất và sử dụng túi, bao bì thân thiện với môi trường

Thứ hai, Việt Nam ngày càng siết chặt quản lý túi ni lông. Về mặt thuế BVMT đã điều chỉnh tăng từ 40.000đ/kg lên đến 50.000đ/kg trong năm 2019 theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cách tiếp cận có sự thay đổi từ giảm sử dụng và tăng cường thu gom tái chế đến cấm sản xuất, nhập khẩu và sử dụng theo lộ trình (Chiến lược quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050). Tuy nhiên Việt Nam đã chuẩn bị những gì để đảm bảo những quy định trên đi vào thực tiễn?

Qua cuộc kiểm toán tại TP.HCM, vấn đề nổi cộm không phải là mức thuế BVMT cao hay thấp (thực tế mức thuế trước đó 40.000đ/kg đã là rất cao và cao hơn giá bán thực tế trên thị trường) mà là có quản lý, thu được đầy đủ thuế hay không? Do hiện tại chưa có định nghĩa và phân loại rõ ràng về túi ni lông khó phân hủy, công tác quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng trong chính sách quản lý túi ni lông nên dù giảm sử dụng hay cấm hẳn cũng khó đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường do cách hiểu khác nhau giữa các địa phương trên cả nước, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường là không có ranh giới hành chính.

Thứ ba, vấn đề lớn hiện nay là ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa dùng một lần bao gồm thìa, dĩa, chén, cốc nhựa, ống hút, chai nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn, túi ni lông khó phân hủy. Năm 2015, Tạp chí Khoa học và một số tạp chí danh tiếng khác đã đưa Việt Nam vào danh sách 5 nước thải rác nhựa nhiều nhất ra biển (cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, và Sri Lanka).

Việt Nam là một trong những nước thải rác nhựa nhiều nhất ra biển

Các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về phạm vi đối tượng khi chỉ tập trung vào túi ni lông khó phân hủy. Riêng với đối tượng túi ni lông khó phân hủy, đối tượng chịu thuế BVMT chỉ tập trung vào túi ni lông mua hàng làm từ chất liệu PE, bỏ qua túi ni lông làm từ các chất liệu khác như PA, PP, PVC, bỏ qua túi ni lông để làm bao bì đóng gói và các loại túi có hình dạng khác. Như vậy ngay cả khi các văn bản quy phạm pháp luật được thực thi đầy đủ vẫn khó giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm nhựa. Do đó, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Việt Nam đã có phương hướng như thế nào để giải quyết vấn đề này?

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201