Thứ Bảy, 20/4/2024 - 23:12:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kết quả kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP.HCM theo Đề án của Chính phủ- Kỳ II: Những phát hiện kiểm toán đáng chú ý

THỨ HAI, 04/03/2019 15:35:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO)- Năm 2018, KTNN đã tiến hành cuộc kiểm toán hoạt động việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP.HCM theo Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” của Chính phủ. Kết quả cho thấy, KTNN đã có nhiều phát hiện kiểm toán đáng chú ý.

Chính sách của địa phương còn bất cập

Thực hiện Đề án của Chính phủ, TP.HCM đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 09/9/2014 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn. 

Tuy nhiên, Chỉ thị chưa ban hành đầy đủ các giải pháp tài chính và nhân lực thực hiện; chưa tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ NSNN, các tổ chức, DN trong và ngoài nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; chưa đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị liên quan và báo cáo kết quả thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo; chưa giao nhiệm vụ cho Cục Hải quan là đơn vị đang có trách nhiệm kiểm tra và thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với túi ni lông nhập khẩu trên địa bàn (số liệu của Cục Hải quan TP.HCM cung cấp cho Đoàn kiểm toán cho thấy, từ 2015- 2017, số thuế BVMT thu được từ hàng hóa túi ni lông nhập khẩu là 4-8 tỷ đồng/năm, chiếm từ 10%- 20% tổng thu thuế BVMT trên địa bàn); sự phối hợp giữa các ban ngành, quận huyện chưa chặt chẽ; kế hoạch thông tin tuyên truyền của Sở TN&MT không đề ra mục tiêu cụ thể, gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả thực hiện và không phù hợp với Kế hoạch truyền thông ứng phó biến đổi khí hậu 2017-2020 (cuối năm 2017, Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu 2017-2020 đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2018 và 2020 liên quan đến việc giảm sử dụng túi ni lông nhưng Sở TN&MT TP.HCM không đưa mục tiêu hoặc lộ trình thực hiện mục tiêu này vào kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông năm 2018).
 

Kế hoạch tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông của TP.HCM chưa có mục tiêu cụ thể


Bên cạnh đó, theo KTNN, việc thực hiện giải pháp khuyến khích sản xuất túi ni lông tự phân hủy sinh học của T.P Hồ Chí Minh chưa mang lại hiệu quả, từ khi Chỉ thị 23 có hiệu lực đến nay, không có dự án nào về sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường vay vốn ưu đãi.

Tiềm ẩn thất thu thuế BVMT

Đáng chú ý, qua cuộc kiểm toán này, KTNN phát hiện vấn đề tiềm ẩn thất thu thuế BVMT do nhiều DN, hộ kinh doanh có sai phạm trong sản xuất, kê khai nộp thuế BVMT đối với túi ni lông qua nhiều năm nhưng các đơn vị chức năng chưa tiến hành kiểm tra, phát hiện kịp thời. 

Cụ thể, các DN sản xuất túi ni lông khó phân hủy hầu hết không kê khai nộp thuế BVMT do tự xác định thuộc trường hợp sản xuất và bán bao bì đóng gói sẵn hàng hóa không thuộc diện chịu thuế BVMT (tỷ lệ kê khai nộp thuế bình quân 1,73% trên tổng sản lượng sản xuất), trong đó một số trường hợp không đủ điều kiện bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, xác định chưa đúng tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa PE đã sử dụng.
 

KTNN phát hiện nguy cơ thất thu thuế BVMT từ túi ni lông

Bên cạnh đó, một số DN tuy đã được cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường nhưng chưa đạt tiêu chí quy định tại Thông tư 07/2012 của Bộ TN&MT, như: sản phẩm sản xuất không đúng định mức kỹ thuật về số lượng chất phụ gia tự hủy; từ khi sản xuất đến nay chưa có kết quả thử nghiệm phụ gia tự hủy; được cấp gia hạn giấy chứng nhận khi chưa được công nhận kết quả thử nghiệm; giấy chứng nhận đã hết hiệu lực nhưng vẫn tiếp tục sản xuất và bán ra thị trường; một số DN chưa thực hiện đúng cam kết về kế hoạch thu hồi, tái chế đối với sản phẩm phải thu hồi, tái chế.

Hơn nữa, công tác khoán thuế (trong đó có thuế BVMT đối với túi ni lông) của các hộ kinh doanh chưa phù hợp, chưa chính xác, việc điều tra doanh thu khoán chưa bao quát được đầy đủ hoạt động kinh doanh của hộ: có trường hợp số kê khai nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với số thực tế sản xuất và tiêu thụ; nhiều trường hợp có tổng doanh thu khoán thuế thấp hơn chi phí tiền điện, cá biệt có trường hợp thấp hơn 8,5 lần; số thực tế khoán thuế thấp hơn biên bản điều tra doanh thu... Qua phỏng vấn hộ kinh doanh cho thấy, sản phẩm túi ni lông khó phân hủy vẫn được tiêu thụ rất nhiều, giá bán bình quân chỉ 26.000 đồng/kg, thấp hơn mức thuế BVMT 40.000đ/kg phải nộp… 

Do quản lý thiếu chặt chẽ

Qua thống kê chưa đầy đủ của Sở TN&MT TP.HCM, số lượng túi ni lông khó phân hủy sản xuất trên địa bàn TP.HCM năm 2017 là 16 nghìn tấn. Ước tính mới nhất của Sở TN&MT năm 2017 dựa trên kết quả khảo sát 6 quận năm 2015, khối lượng túi ni lông thải bỏ ra môi trường của TP.HCM là 80 nghìn tấn/năm, trong đó túi ni lông khó phân hủy là 77 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Cục thuế, số thuế BVMT thu được năm 2017 là 34,5 tỷ đồng, tương đương 860 tấn túi ni lông khó phân hủy thuộc diện chịu thuế (có chất liệu PE). 
 

Một cơ sở sản xuất túi ni lông (Ảnh minh họa)

Như vậy, số thống kê của 2 cơ quan quản lý là khác nhau và chênh lệch rất lớn, gấp từ 19 đến 90 lần. Theo KTNN, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phân tích con số chênh lệch trên, trong đó có yếu tố số liệu sản xuất và thải bỏ túi ni lông khó phân hủy của Sở TN&MT không làm rõ những loại túi ni lông PE dạng bao bì đóng gói, túi ni lông xuất khẩu, túi ni lông làm từ chất liệu khác PE. Tỷ trọng thuế BVMT từ túi ni lông trong tổng số thuế BVMT, số thuế BVMT và số lượng DN, hộ kinh doanh có kê khai và nộp thuế BVMT từ 2014-2017 tại TP.HCM có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2014 có 70 DN và 26 hộ kinh doanh, đến năm 2017 giảm xuống còn 36 DN và 21 hộ kinh doanh). 

Tuy nhiên, lượng sản xuất túi ni lông khó phân hủy của một số DN lại có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Số liệu thống kê 38 DN sản xuất túi ni lông cho thấy, năm 2014 sản lượng xuất bán túi ni lông có chất liệu PE của các DN là 22.938 tấn, năm 2017 là 33.376 tấn, tăng tới 46%. Đồng thời, số lượng túi ni lông thải bỏ ra môi trường ngày càng tăng mạnh. Số lượng túi ni lông nhập khẩu cũng tăng mạnh sau 4 năm (từ 63,8 tấn năm 2014 lên 219,8 tấn năm 2017). Số lượng nguyên liệu hạt nhựa và phế liệu nhựa có thể dùng để sản xuất túi ni lông khó phân hủy nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM cũng tăng 65% sau 4 năm.

Theo KTNN, nguyên nhân có thể do phần lớn số lượng túi ni lông PE sản xuất của các DN theo kê khai là để đóng gói sẵn sản phẩm (đối tượng không chịu thuế BVMT), các DN đang dần di dời cơ sở sản xuất sang các tỉnh lân cận nhưng vẫn chuyển sản phẩm về Thành phố tiêu thụ, một nguyên nhân nữa có thể là do chưa quản lý được đầy đủ các cơ sở sản xuất túi ni lông chịu thuế BVMT.

QUỲNH ANH (còn tiếp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201