Thứ Sáu, 26/4/2024 - 04:52:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Trọng tâm kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2018

THỨ SÁU, 02/03/2018 08:35:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Nhằm thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2018 đạt chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp kết quả kiểm toán năm và phục vụ yêu cầu giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, ngày 02/02/2018, KTNN đã ban hành công văn hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2018. Sau đây, Đặc san Kiểm toán xin trích giới thiệu đến bạn đọc phần Trọng tâm kiểm toán.

Năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, năm KTNN tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây cũng là năm KTNN tổ chức triển khai kiểm toán đối với niên độ ngân sách đầu tiên áp dụng Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới với nhiều thay đổi trong quản lý điều hành NSNN. 

1. Lĩnh vực NSNN
(1) Về thu NSNN 
- Việc giao dự toán thu NSNN đối với một số khoản thu phí chuyển thành giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí, lệ phí.
- Công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

(2) Về chi thường xuyên
- Việc lập, phân bổ, giao dự toán và quản lý, sử dụng đối với kinh phí quản lý hành chính và các sự nghiệp, tập trung đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp y tế, sự nghiệp kinh tế. Trong đó lưu ý việc giao dự toán và quyết toán chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định khi thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
 

 
- Việc thực hiện định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN áp dụng cho năm ngân sách 2017 theo quy định tại Quyết định 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chủ trương tiết kiệm, gắn với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khi lập, giao dự toán chi thường xuyên; thực hiện tự cân đối, bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương cơ sở, thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo chế độ quy định. 

- Việc thực hiện các quy định và giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán NSNN năm 2017 của Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân các cấp. 
 
(3) Chi đầu tư phát triển
Tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư và quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các công trình của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong năm 2017 và các thời kỳ trước, sau có liên quan, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

- Việc thực hiện các quy định về xây dựng và phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2017 như: xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2017; phù hợp với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 đã trình cấp có thẩm quyền và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2017; phù hợp với khả năng thực hiện và tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2017. Riêng đối với các dự án khởi công mới chỉ bố trí vốn kế hoạch năm 2017 cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. 

- Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

(4) Việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ: quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; quản lý mua sắm, sử dụng xe ô tô công; mua sắm tập trung tài sản công.

(5) Việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước. 

(6) Việc thực hiện cơ chế tài chính đối với một số lĩnh vực, thành phố đặc thù (an ninh, quốc phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...).

2. Lĩnh vực DNNN và các tổ chức tài chính - ngân hàng 
Tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng tài chính năm 2017 và việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước của các đơn vị được kiểm toán, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

(1) Thực trạng tài chính năm 2017 và việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.

(2) Việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; việc điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; giữ ổn định, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất; việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tài chính như: tiền lương, thưởng, lễ tân, khánh tiết, chi phí công cụ, dụng cụ...

(3) Việc nộp thuế và các khoản phải nộp khác với NSNN: thu chênh lệch các quỹ và vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ; phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Thông tư 61/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016 của Bộ Tài chính; thu do bán bớt phần vốn nhà nước khi cổ phần hoá công ty con 100% vốn tại các DN 100% vốn nhà nước.

(4) Việc thực hiện công tác tái cơ cấu DN; việc thực hiện giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước.

(5) Việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty.

(6) Đối với các DNNN nắm giữ từ 51% trở xuống: việc bảo toàn vốn nhà nước, trong đó tập trung đánh giá trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước trong việc thực hiện các quy định của nhà nước.

(7) Đối với các dự án đầu tư xây dựng trong DNNN: tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư và các công trình đầu tư của DN được kiểm toán trong đó tập trung đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong đầu tư xây dựng; tiến độ thực hiện và tính hiệu quả của các dự án đầu tư có quy mô lớn, ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

3. Kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động 

Tập trung kiểm toán để đánh giá công tác lập, phân bổ và giao dự toán; việc quản lý và chấp hành quy định trong quá trình sử dụng các nguồn kinh phí; tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực đối với các chủ đề được kiểm toán. Trong đó:

(1) Chuyên đề Đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế: phân tích, đánh giá hiệu quả, hiệu lực các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách ưu đãi riêng của các khu kinh tế; đánh giá hiệu quả đầu tư từ NSNN cho các khu kinh tế; trong đó lưu ý đánh giá những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư tại các khu kinh tế; đánh giá việc tuân thủ quy định trong thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó tập trung vào ưu đãi thuế và tiền thuê đất; kiến nghị bãi bỏ chính sách không đúng pháp luật, không phù hợp, không hiệu quả.

(2) Chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế GTGT: đánh giá việc lập dự toán và quản lý kinh phí hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế; đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT, Quy trình hoàn thuế của cơ quan thuế và người nộp thuế…; thông qua kiểm toán chỉ ra những bất cập, tồn tại, sai phạm để kiến nghị các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý hoàn thuế GTGT và biện pháp khắc phục những tồn tại; kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý hoàn thuế GTGT, đồng thời truy thu các khoản hoàn thuế sai chế độ cho NSNN.

(3) Chuyên đề việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: kiểm toán việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; kiểm toán hoạt động thu, chi Quỹ bảo hiểm y tế, trọng tâm là tình hình thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế.

(4) Chuyên đề việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015-2017: sự cần thiết đề xuất, lựa chọn chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phân tích, so sánh sự cần thiết phải vay ODA, vay ưu đãi so với việc Chính phủ phát hành trái phiếu (kỳ hạn, lãi suất, phí thu xếp khoản vay, phí cam kết, bảo hiểm khoản vay, tỷ lệ trượt giá VNĐ...); sự phù hợp với Chiến lược về nợ công và Chương trình quản lý nợ công trung hạn; định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi; đối với các dự án đầu tư có điều chỉnh cần kiểm tra cơ sở của việc điều chỉnh dự án, tính đúng đắn của việc điều chỉnh so với các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan; chọn mẫu kiểm toán chi tiết một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA để đánh giá việc chấp hành pháp luật, việc quản lý, thất thoát, lãng phí của dự án; kiểm toán tính đúng đắn của việc bảo lãnh khoản vay của Chính phủ và phí bảo lãnh khoản vay ODA, vay ưu đãi; việc bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; việc kiểm soát tỷ giá giữa đồng Việt Nam các ngoại tệ khác trong quá trình rút vốn, giải ngân vốn vay bằng đồng Việt Nam;…

(5) Đối với cuộc kiểm toán hoạt động quản lý sử dụng ngân sách cấp huyện năm 2017: (i) Đánh giá hoạt động quản lý, tổ chức thu ngân sách cấp huyện có đảm bảo khai thác kịp thời, đầy đủ các nguồn thu trên địa bàn để hoàn thành mức cao nhất dự toán thu ngân sách không; (ii) Đánh giá hoạt động quản lý, điều hành chi ngân sách cấp huyện có hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của địa phương, sử dụng nguồn kinh phí được giao tiết kiệm, hiệu quả; (iii) Đánh giá việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc bổ sung cân đối; việc sử dụng nguồn tăng thu, việc hỗ trợ hụt thu (nếu có); (iv) Đánh giá hoạt động kiểm tra, giám sát có đảm bảo xử lý các hành vi sai phạm kịp thời và rút kinh nghiệm thiết thực cho công tác quản lý, điều hành ngân sách.

Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201