Thứ Hai, 29/4/2024 - 11:35:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện kiểm toán ngân sách nhà nước

THỨ BẢY, 15/09/2018 12:40:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sau hơn 24 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. KTNN đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các đơn vị có sử dụng NSNN trên tất cả các lĩnh vực. Qua kiểm toán cho thấy việc quản lý sử dụng NSNN tại các địa phương, bộ ngành và các đơn vị đã đi vào nề nếp hơn, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, từng bước nâng cao được kỷ cương, kỷ luật tài chính và nâng cao hiệu quả trong quản lý NSNN. Hoạt động kiểm toán của KTNN đã liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả.

Những kết quả nổi bật

Đánh giá về công tác lập và giao dự toán ngân sách, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương lập dự toán phí, lệ phí thấp hơn số thông báo của Bộ Tài chính, không giao hoặc giao dự toán thu chưa đúng quy định; các địa phương lập và giao dự toán thu chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; tình trạng phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa đúng quy định diễn ra tại hầu hết các Bộ, ngành, địa phương được kiểm toán. Kế hoạch vốn chưa phân bổ hết ngay từ đầu năm; phân bổ nhiều lần; giao vốn dàn trải; không đúng thẩm quyền; không qua HĐND; bố trí vốn không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, sai nội dung nguồn vốn đầu tư; nhiều địa phương có vốn ứng trước chuyển tiếp qua nhiều năm nhưng chưa được bố trí vốn thu hồi…
 

Một cuộc kiểm toán do KTNN khu vực I thực hiện - Ảnh: Thanh Tùng

Về chấp hành ngân sách, kết quả kiểm toán đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quản lý sử dụng NSNN để các đơn vị khắc phục, nhằm thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng NSNN, cụ thể:

Giai đoạn 2015-2017, KTNN đã kiểm toán tại 195 lượt đơn vị đầu mối (50 lượt Bộ, ngành và 145 lượt tỉnh, thành phố), kết quả kiến nghị xử lý tài chính 61.436 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán đã giúp tăng thu và giảm chi ngân sách thông qua thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN góp phần hoàn thành dự toán hàng năm của NSNN và kiểm soát bội chi ngân sách. Kết quả kiểm toán cũng cung cấp những thông tin kịp thời, có độ tin cậy và tính thuyết phục cao về thực trạng cơ chế và thể chế quản lý, giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý, hệ thống định mức phân bổ ngân sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu, tăng cường và minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương đơn vị được kiểm toán và nhằm “bịt các lỗ hổng” trong quản lý, điều hành ngân sách. Giai đoan 2015-2017 KTNN kiến nghị các các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 412 văn bản. Điển hình như UBND thành phố Hà Nội trong những năm qua đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các bộ đơn giá, định mức cho các hoạt động dịch vụ công ích như trồng, chăm sóc cây xanh; duy tu đường bộ; thoát nước; thủy lợi phí, từ đó tiết kiệm cho ngân sách thành phố mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định dự án, quản lý và thực hiện dự án còn có sai sót phổ biến, chưa khắc phục được qua các năm như: tổng mức đầu tư dự án còn điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn; một số dự án được phê duyệt không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư giai đoạn, kế hoạch trung hạn đã được phê duyệt; nhiều dự án được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; hồ sơ thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình thiết kế; còn nhiều dự án sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá; còn tình trạng giải ngân vượt tổng mức đầu tư; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định.

Một số địa phương hụt thu chưa rà soát, cắt giảm hoặc thực hiện cắt giảm chưa triệt để nhiệm vụ chi tương ứng theo quy định. Một số địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn tăng thu, nguồn sử dụng đất ... để bổ sung chi thường xuyên chưa đảm bảo quy định; còn có địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn được trích lại thực hiện cải cách tiền lương, xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương; sử dụng sai nguồn; cho vay, tạm ứng sai quy định, cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm chậm thu hồi; sử dụng các quỹ ngoài ngân sách chưa hiệu quả, chưa tuân thủ các quy định quản lý quỹ, còn địa phương chưa nộp các khoản thu về cổ tức, tiền bán cổ phần về Quỹ hỗ trợ và phát triển DN....

Kết quả kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cũng còn hạn chế như: cơ quan chủ quản giao cơ chế tự chủ tài chính chậm hoặc giao chưa triệt để theo đúng quy định; nội dung Quy chế chi tiêu nội chưa bao quát các nguồn thu và nhiệm vụ chi, chưa điều chỉnh kịp thời theo văn bản hiện hành...; bổ sung kinh phí ngoài kinh phí đã giao tự chủ hoặc giao và sử dụng dự toán kinh phí không tự chủ để thực hiện nhiệm vụ chi thuộc nguồn kinh phí tự chủ.

Kết quả kiểm toán đã góp phần ngăn ngừa rủi ro, răn đe sai phạm, nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành NSNN, đã chuyển một số vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra, góp phần tích cực vào công tác tăng cường kỷ luật về tài chính ngân sách; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng NSNN và công tác phòng chống tham nhũng.

Liên quan đến công tác quyết toán ngân sách, kết quả kiểm toán cho thấy, quyết toán chi chuyển nguồn có xu hướng tăng, trong đó chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm 2017 là 279.387 tỷ đồng, bằng 17,75% tổng chi cân đối NSNN cao nhất trong 03 năm gần nhất (năm 2015: 15,7%; năm 2014: 17,6%), tăng 18,1% (42.823 tỷ đồng) so với năm 2015 (236.564 tỷ đồng). Một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện chuyển số dư không còn nhiệm vụ chi hoặc cấp thừa nhưng chưa hủy hoặc thu hồi theo quy định; nhiều địa phương vẫn còn các khoản chi chuyển nguồn qua nhiều năm.

Kết quả kiểm toán đã xác nhận tính trung thực, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, ngành, báo cáo quyết toán ngân sách của các địa phương giúp Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm; giúp các cơ quan nhà nước thanh quyết toán các khoản thu, chi NSNN…

Những khó khăn, thách thức đang đặt ra

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn với mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế".

Việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược trên đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động kiểm toán của KTNN.

Trước hết, công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và công tác quản trị ở các đơn vị công đòi hỏi phải có những thông tin tin cậy, thích hợp, kịp thời và có chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu này, KTNN cần phải nhạy bén với những thay đổi, biến động và xu hướng của nền kinh tế để có thông tin kịp thời. Điều này đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên phải có những kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, đặc biệt là khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô. Đây cũng là thách thức lớn trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của KTNN.

Cùng với đó, do hoạt động kiểm toán là lĩnh vực nhạy cảm, tiến hành trên phạm vi rộng; kiểm toán viên phải đối mặt với những cám dỗ, mua chuộc, đe dọa của đơn vị được kiểm toán. Vì vậy vấn đề rủi ro kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên luôn là một thách thức đối với KTNN.

Mặt khác, theo quy định của Luật KTNN, kết quả kiểm toán được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi kết quả kiểm toán được công khai đã gây sức ép rất lớn cho KTNN, đòi hỏi kết quả kiểm toán phải phản ánh chính xác, trung thực và khách quan; kết luận, kiến nghị kiểm toán phải có luận cứ rõ ràng, cụ thể và khả thi. Do đó, nâng cao chất lượng kiểm toán là vấn đề cốt lõi trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thời gian vừa qua, khi kiểm toán ngân sách địa phương hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đoàn kiểm toán của KTNN đã thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế tại cơ quan thuế. Kết quả kiểm toán đều phát hiện tăng thu ngân sách về thuế đối với hầu hết các DN được kiểm tra đối chiếu thuế. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng kiểm tra đối chiếu; chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra đối chiếu, cho nên hiệu lực của công tác kiểm tra đối chiếu chưa cao, nhận thức của một số người nộp thuế về công việc kiểm tra cũng chưa đầy đủ... Điều này dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị chưa có sự phối hợp tốt, không nghiêm túc chấp hành; một số đơn vị có biểu hiện chây ì, đưa ra nhiều lý do tránh né việc kiểm tra, đối chiếu hoặc kéo dài thời gian cung cấp hồ sơ, cung cấp tài liệu không đủ, không đồng bộ… Về vấn đề này, KTNN cũng chưa có chế tài để xử lý.

Bên cạnh đó, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính ngân sách và các hoạt động quan lý khác của các đơn vị, các địa phương diễn ra phổ biến và mạnh mẽ, tuy nhiên việc Kiểm toán viên trực tiếp được khai thác phần mềm quản lý của đơn vị được kiểm toán còn có nhiều hạn chế, xuất phát từ việc bảo mật thông tin của đơn vị.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán ngân sách

Để nâng cao chất lượng kết quả kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành NSNN cần thực hiện một số giải pháp tổng thể sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý NSNN, nhất là đổi mới căn bản quy trình lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách theo hướng hiện đại, dựa vào kết quả đầu ra, thực hiện các mục tiêu chiến lược ưu tiên của quốc gia; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về NSNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và bao quát hết các nội dung chi; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ công theo hướng quản lý thống nhất, bổ sung các tiêu chí đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế...

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN năm 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trong các luật liên quan đến KTNN. Tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán. Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung một số chế tài và tổ chức kiểm tra việc thực hiện đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN.

Ba là, đổi mới phương pháp kiểm toán. Hoàn thiện và kết hợp nhuần nhuyễn kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, đồng thời tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động. Tăng cường kiểm toán tổng hợp để đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu lực của các chính sách, chế độ của Nhà nước; đồng thời tăng cường kiến nghị tư vấn trong công tác quản trị và điều hành NSNN đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Đẩy mạnh việc kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, đặc biệt là các chuyên đề mang tính dài hạn, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực được Quốc hội, công chúng quan tâm.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán. Cần có quy định về cung cấp thông tin tài liệu, truy cập vào hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; áp dụng những phương pháp kiểm toán mới, tham gia những cuộc kiểm toán liên quốc gia.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán, quy tắc ứng xử và đạo đức kiểm toán viên; xử lý nghiêm khắc các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; kết hợp tốt giữa kiểm tra, kiểm soát của trưởng đoàn, kiểm toán trưởng với thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các vụ chức năng; đề cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của trưởng đoàn, kiểm toán trưởng; duy trì thực hiện nghiêm quy định về chế độ thông tin, báo cáo.

Sáu là, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN theo mô hình quản lý tập trung thống nhất, đảm bảo đồng bộ, có đủ cơ cấu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng phần mềm kiểm toán, phần mềm hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm toán, cập nhật và bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực kiểm toán cho cán bộ, kiểm toán viên; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức kiểm toán viên nhà nước…

Bảy là, chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các phiên họp của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; đồng thời đề cao vai trò kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chủ động và kịp thời cung cấp hồ sơ có dấu hiệu vi phạm sang cho các cơ quan điều tra. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201