Thứ Năm, 25/4/2024 - 07:21:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Những nguyên tắc để các cuộc kiểm toán nợ công vượt qua thách thức

THỨ HAI, 29/07/2019 08:30:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - KTNN bắt đầu triển khai kiểm toán nợ công từ khi có Luật Quản lý nợ công năm 2009, hiệu lực từ năm 2010. Từ năm 2010, KTNN đã đưa kiểm toán công tác quản lý nợ công lồng ghép trong các cuộc kiểm toán, đặc biệt là cuộc kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm. Từ năm 2016, KTNN đã xây dựng và tổ chức kiểm toán nợ công thành một cuộc kiểm toán chuyên đề hằng năm.

Thời gian qua, kiểm toán nợ công đã đạt được một số kết quả tích cực, song thách thức đặt ra vẫn còn rất lớn. Mặc dù KTNN đã tổ chức kiểm toán chuyên đề nợ công nhưng cuộc kiểm toán này mới dừng ở việc kiểm toán công tác quản lý mà chưa tổ chức được một cách toàn diện từ khâu quản lý đến sử dụng do quy mô và giá trị nợ công rộng và lớn. KTNN chưa đưa ra ý kiến ở tầm vĩ mô để giúp các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện công tác quản lý. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về quản lý nợ công đang có sự khác biệt xa so với chuẩn mực quản lý nợ công mà các tổ chức quốc tế ban hành nhưng chưa được KTNN phát hiện. KTNN cũng chưa đi sâu đánh giá tình hình, cơ cấu, chi phí và hạch toán các khoản nợ công nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong vay nợ. Nhiều vấn đề về quản lý không được đề cập như: cơ cấu vay nợ, nguồn vay nợ, tính bền vững của việc vay nợ, chi phí vay nợ, công tác hạch toán, cơ chế quản lý vay nợ…

Nguyên nhân của thực trạng trên là do KTNN còn hạn chế trong vận dụng cẩm nang kiểm toán nợ công của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) vào hoạt động kiểm toán. Việc xác lập mối quan hệ phối hợp trong kiểm toán nợ công giữa KTNN và các cơ quan có liên quan còn nhiều rào cản. Cùng với đó, việc công khai, minh bạch kết quả kiểm toán nợ công của KTNN phải dựa trên quy định bằng văn bản pháp lý. 

Một vấn đề đặt ra, bên cạnh quy chế công khai kết quả kiểm toán hằng năm, KTNN phải nhanh chóng xây dựng và ban hành quy chế công khai kết quả kiểm toán nợ công, hoặc sửa đổi quy chế này và bổ sung một nội dung riêng về công khai kết quả kiểm toán nợ công do tính đặc biệt và nhạy cảm của các thông tin.

Từ đó, KTNN đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, việc kiểm toán nợ công phải đặt trong nguyên tắc kiểm soát nợ công với nguyên lý mang tính bao trùm là: thế hệ hiện tại không xâm lấn lợi ích của thế hệ tương lai.

Thứ hai, kiểm toán nợ công phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể về cải cách tài chính công, nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các khoản vay nợ được sử dụng đúng mục đích theo quy định của Luật NSNN. Việc vay nợ chỉ được sử dụng cho mục đích đầu tư phát triển. Quá trình cải cách tài chính công theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việc kiểm toán nợ công phải được thực hiện theo các tiêu chuẩn, thông lệ được chấp nhận và kết quả kiểm toán hằng năm cần được công bố công khai rộng rãi.

Thứ ba, kiểm toán nợ công trong mối quan hệ với kiểm toán quyết toán NSNN: Ngoài việc kiểm toán theo các chuyên đề thì việc kiểm toán nợ công hằng năm cần được đặt trong mối liên hệ với kiểm toán quyết toán NSNN. Thông qua mối liên hệ này để đánh giá tính bền vững của tài chính ngân sách quốc gia cũng như thấy được bất cập trong việc vay, trả nợ, hạch toán các khoản nợ công; việc hạch toán đầy đủ các khoản nợ, kể cả T.Ư và địa phương, đồng thời thấy được mức chi trả hằng năm cho chi phí vay nợ; làm cơ sở để phân tích, đánh giá tính đầy đủ của NSNN cũng như đánh giá được vị thế của NSNN.

Thứ tư, báo cáo kiểm toán chuyên đề về nợ công đặt trong mối quan hệ với quản lý các nguồn lực quốc gia: Cơ quan KTNN cần thực hiện kiểm toán chuyên đề về nợ công một cách đầy đủ, toàn diện. Các chuyên đề có thể bao quát từ hình thức vay, trả nợ, các nghiệp vụ vay nợ, chi phí vay nợ đến tổ chức quản lý nợ, chiến lược quản lý nợ, quản lý rủi ro trong việc vay nợ. Ngoài ra, tiến hành nghiệp vụ bảo lãnh nợ cho các DN, các tổ chức. Các cuộc kiểm toán chuyên đề về nợ công có thể chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong quản lý nợ để từ đó có chiến lược quản lý nợ một cách bền vững.
 
XUÂN HỒNG (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201