Thứ Sáu, 3/5/2024 - 07:30:32 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Lương không đủ sống, hàng triệu công nhân dệt may sống lay lắt

THỨ HAI, 04/03/2019 09:45:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân làm việc với mức lương không đủ sống sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ cũng như làm tụt năng suất lao động, làm chậm sự phát triển của DN và giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Hệ lụy từ mức lương không đủ sống 

Tại Tọa đàm “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” diễn ra ngày 26/02, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn đã phối hợp với Tổ chức Oxfarm Việt Nam công bố Báo cáo nghiên cứu “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” do hai cơ quan thực hiện. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 99% công nhân được khảo sát nhận được mức lương thấp hơn mức lương đủ sống (không kể làm thêm giờ). Do đó, hầu hết các công nhân này phải nhận làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều hệ lụy: 69% công nhân cho biết họ không đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 37% luôn trong tình trạng vay nợ; 68% hiếm khi có thời gian rảnh để đi thăm bạn bè, người thân. Thậm chí, tình trạng lương thấp, dẫn đến phải chạy tiến độ để tăng sản lượng, thường xuyên tăng ca còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của công nhân. 65% công nhân được hỏi cho biết thường xuyên làm thêm giờ, 28% lo lắng về việc phải làm quá nhiều; 53% không đủ tiền chi trả chi phí khám, chữa bệnh... “Hầu hết công nhân phải vật lộn để nuôi sống bản thân, gia đình, thậm chí có lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn” - Báo cáo nêu rõ. 

Theo bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý Chương trình cấp cao của Oxfarm Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất cả nước với khoảng 6.000 DN và lực lượng lao động hơn 2,5 triệu người, phần lớn là phụ nữ. Tuy nhiên, phần lớn DN dệt may chuyên làm gia công, đây là công đoạn thấp nhất trong chuỗi may dẫn đến mức chi trả cho công nhân thấp. Để đảm bảo cho cuộc sống, công nhân buộc phải tăng ca, tăng sản lượng và không có thời gian tái tạo sức lao động.  

Còn theo Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, thực tế cho thấy dù có làm thêm giờ, công nhân cũng chỉ đủ sống, chưa nói đến tích lũy lâu dài. Với những gia đình có con nhỏ lại càng khó khăn hơn khi thu nhập bình quân của lao động chỉ là 5,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Quảng, năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện khảo sát trên diện rộng về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống, tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của người lao động. Như vậy, mặc dù tiền lương đã được cải thiện so với trước nhưng biến động về giá cả vẫn khiến công nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
 
Doanh nghiệp là nạn nhân, cũng là tác nhân của vấn đề

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong câu chuyện lương không đủ sống của công nhân, DN vừa đóng vai trò là tác nhân, nhưng đồng thời cũng trở thành nạn nhân của tình trạng này.  

Bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Trưởng nhóm nghiên cứu -  chỉ ra một thực tế, tiền lương thấp ảnh hưởng tới tâm trạng của người lao động, tâm lý ức chế dẫn đến năng suất lao động và chất lượng công việc giảm; người lao động không hứng thú làm việc. Thậm chí, DN thường xuyên phải đối mặt với tình trạng biến động lao động, do người lao động có xu hướng tìm việc khác có mức thu nhập tốt hơn. 

Theo bà Lan, mặc dù nhận thức được những rủi ro phải đối mặt, khi chi trả cho công nhân mức lương không đủ sống, nhưng DN Việt vẫn không có nhiều sự lựa chọn. Bởi lẽ, bản thân DN, đặc biệt là DN ngành may mặc đang phải vật lộn trong cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, với áp lực đến từ nhiều phía buộc DN phải cắt giảm tối đa chi phí để hoạt động. Tiền lương thấp còn là kết quả của thương mại không công bằng trong chuỗi cung ứng ngành may mặc toàn cầu. 

Chia sẻ về vấn đề này, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, tiền lương không đủ sống đang làm cho công nhân và gia đình họ mắc kẹt trong vòng đói nghèo, còn DN dệt may như bị lạc trong vòng luẩn quẩn khi một mặt phải trả mức lương không đủ sống cho người lao động để duy trì hoạt động, nhưng mặt khác phải hứng chịu hệ lụy từ chính tình trạng này cũng như bị các đối tác ép giá sản phẩm do không tuân thủ các khuyến cáo cần thiết về tiêu chuẩn lao động. 

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống; tạo môi trường thuận lợi để trao quyền cho tổ chức công đoàn và thực hiện thương lượng tập thể về tiền lương và điều kiện làm việc. Lộ trình này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, DN, nhãn hàng và tổ chức công đoàn. Người tiêu dùng cũng là một tác nhân quan trọng giúp gây ảnh hưởng và thúc đẩy lộ trình này bằng cách bày tỏ sự quan tâm và mong đợi của mình đối với các nhãn hàng thời trang về thực hành ứng xử có đạo đức trong hoạt động kinh doanh, trong việc trả lương đủ sống cho người lao động.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201