Thứ Tư, 17/4/2024 - 05:53:29 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp cổ phần hóa

THỨ HAI, 11/03/2019 09:25:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ngày 01/3, tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa” do KTNN tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán này trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, Toạ đàm nhằm phân tích, trao đổi làm rõ hơn về thực trạng tổ chức kiểm toán; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức kiểm toán; những vấn đề cần quan tâm làm rõ trong quá trình kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trong cổ phần hóa (CPH); đề xuất những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán giúp cho KTNN thực hiện tốt hơn trách nhiệm trong việc kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước CPH.

Khó khăn, vướng mắc trong kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp

Theo KTNN, vấn đề “nhức nhối” nhất trong CPH DNNN là việc xác định giá trị đất đai và giá trị DN. Ông Hà Minh Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib - nhấn mạnh, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là việc rất khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một thị trường bất động sản thực sự minh bạch, các cơ quan quản lý nhà nước chưa giám sát, tổng hợp được đầy đủ, kịp thời các thông tin giao dịch về quyền sử dụng đất. Việc hướng dẫn định giá các thửa đất phần nhiều mang tính chủ quan.
 

Quang cảnh Tọa đàm - Ảnh: Hoàng Long

Trong định giá các tài sản khác, ông Võ Đại Tôn (KTNN chuyên ngành VI) nêu rõ, có nhiều trường hợp tổ chức tư vấn xác định giá trị tài sản không chính xác: Đối với tài sản là hiện vật, có tổ chức tư vấn định giá chưa xác định giá trị hàng hóa tồn kho theo giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị DN mà xác định theo giá sổ sách kế toán. Khi xác định nguyên giá tài sản vật tư, phụ tùng, hàng hóa nhập khẩu, có tổ chức tư vấn không tính đến biến động của đồng ngoại tệ so với đồng Việt Nam. Đối với tài sản là máy móc thiết bị, có tổ chức tư vấn lại xác định nguyên giá theo giá mua bán trên thị trường của tài sản cũ, không đảm bảo được yêu cầu “tính theo giá mua mới của tài sản tương đương, hoặc giá tài sản mới cùng loại đang mua, bán trên thị trường. Hoặc đối với tài sản là máy móc thiết bị được tổ chức tư vấn xác định là không có tài sản tương đương thì tính theo giá tài sản ghi trên sổ kế toán có xét đến yếu tố trượt giá nhưng lại áp dụng sai hệ số trượt giá; xác định một số tài sản cố định theo nguyên giá tài sản ghi sổ kế toán do không có tài sản mới hoặc tương đương nhưng không có tài liệu cụ thể…

Trao đổi về thực trạng xác định giá trị vốn đầu tư của DN cổ phần hóa tại các DN khác, KTNN nhận thấy một số trường hợp áp dụng không phù hợp về tính hiệu lực của các văn bản pháp luật; xác định lại các khoản đầu tư tài chính không đúng quy định về thời điểm xác định giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán; xác định thiếu giá trị thương hiệu, giá trị tiềm năng phát triển của công ty con 100% vốn góp của công ty mẹ; xác định giá trị khoản đầu tư tài chính theo phương pháp vốn chủ sở hữu không căn cứ vào báo cáo tài chính tại thời điểm tổ chức xác định giá trị DN.

Cho rằng giá trị lợi thế kinh doanh của DN dường như chưa được đánh giá một cách phù hợp, ông Phạm Trường Hưng (KTNN chuyên ngành VI) phân tích: Việc xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu” là chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 4. Việc tính lợi thế kinh doanh căn cứ vào lợi nhuận bình quân 5 năm gần nhất và so sánh với lãi suất trái phiếu chính phủ là không hợp lý, chưa phản ánh đúng lợi thế kinh doanh của DN. Chi phí thương hiệu được xác định căn cứ vào các khoản chi phí tạo ra thương hiệu trong vòng 5 năm cũng là ngắn so với nhiều DN có bề dày hoạt động hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Bên cạnh đó, nội dung các chi phí được coi là tạo ra thương hiệu chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng.

Từ thực tiễn, ông Đỗ Quốc Việt - KTNN chuyên ngành VI - cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc đối với KTNN. Chẳng hạn, KTNN chưa đủ cơ sở để đưa các cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN vào kế hoạch kiểm toán năm, vì thế, các cuộc kiểm toán kết quả xác định giá trị DN đều là đột xuất. Hơn nữa, thời hạn 10 ngày là quá ngắn để KTNN thực hiện đầy đủ quy trình khảo sát thu thập thông tin; lập, xét duyệt kế hoạch kiểm toán và ban hành Quyết định kiểm toán, thu xếp nhân sự... 

Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, với những văn bản, quy định mới được ban hành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác định giá, kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính của DN CPH. Đáng chú ý, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất, quy hoạch.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Minh Đức - KTNN chuyên ngành VI, qua thực tế kiểm toán, các DN tiến hành CPH và tổ chức định giá hầu như chỉ áp dụng phương pháp tài sản. Đến khi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC được ban hành, giá trị phần vốn nhà nước bắt buộc phải được xác định theo ít nhất hai phương pháp và giá trị xác định không được thấp hơn giá trị phương pháp tài sản. Như vậy, trong thời gian tới, ngoài phương pháp tài sản chắc chắn được áp dụng thì phương pháp dòng tiền chiết khấu nhiều khả năng sẽ được lựa chọn là phương pháp định giá thứ hai. Tuy nhiên, ông Minh vẫn chỉ ra điểm bất cập là các văn bản mới không có hướng dẫn chi tiết, chỉ yêu cầu các phương pháp xác định giá trị DN phải “thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá”…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng chia sẻ về những giải pháp để KTNN nâng cao chất lượng kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước CPH. Các đại biểu lưu ý: công tác lập kế hoạch kiểm toán cần phải thu thập đầy đủ thông tin, xác định trọng yếu, rủi ro của cuộc kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, cần phải xem xét, lưu ý phương pháp xác định giá trị DN. Bởi xét về bản chất, mỗi DN lại có những đặc thù khác nhau về vốn, tài sản; ngành, nghề sản xuất kinh doanh... Bên cạnh đó, cần chú trọng đến phương án sử dụng đất của DN CPH, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại và kế hoạch sản xuất kinh doanh sau CPH của DN.

Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong xác định giá trị lợi thế kinh doanh của DN, kiến nghị được đại biểu đưa ra là Chính phủ, Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu ban hành hướng dẫn định giá thương hiệu phù hợp với thông lệ quốc tế, với ngành nghề kinh doanh của DN CPH; cũng như điều chỉnh một số quy định chưa hợp lý đối với quy định về lợi thế kinh doanh…

Bế mạc Tọa đàm, đại diện Ban Điều hành đánh giá, các tham luận đề cập tương đối toàn diện từ giác độ lý luận, quy định pháp luật cũng như thực tiễn kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước CPH. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải tiếp cận các quy định mới, tổ chức và tìm kiếm giải pháp cải thiện hạn chế để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán xác định giá trị DN. 
Những ý kiến phát biểu, tham luận tại Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, báo cáo lãnh đạo KTNN để xem xét, cho phép sử dụng cho các đối tượng phù hợp. Kết quả của Tọa đàm cũng sẽ được các đơn vị, cá nhân nghiên cứu và vận dụng vào quá trình xây dựng nội dung hướng dẫn, thực hiện kiểm toán.

N.HỒNG - H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201