Thứ Sáu, 26/4/2024 - 15:11:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bịt các “lỗ hổng” về cơ chế chính sách gây thất thoát, lãng phí theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

THỨ TƯ, 24/01/2018 12:45:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ngày 23/01, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ - Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với KTNN về một số kết quả kiểm toán trọng yếu năm 2017.

Tham dự cuộc họp có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Cao Tấn Khổng, Nguyễn Quang Thành, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh và đại diện lãnh đạo một số cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ…
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Theo báo cáo của KTNN, trong năm 2017, KTNN đã tiến hành 257 cuộc kiểm toán đối với niên độ 2016 ở nhiều Bộ, ngành, địa phương và DNNN. Qua kiểm toán đã phát hiện một số thất thoát, sai phạm, sơ hở chính sách trong các lĩnh vực: điều hành thu chi ngân sách; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị; quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
 

Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ nghiên cứu rà soát và sửa đổi, bổ sung để bịt những “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách như: nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tạm chưa thu giai đoạn 01/7/2011 đến 31/12/2013 do khoảng trống giữa Luật Khoáng sản có hiệu lực 01/7/2011 và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ 20/01/2014 để các địa phương thực hiện liên quan đến thu nộp cấp quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất; giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, thuế giá trị gia tăng chuyển nhượng bất động sản, quy hoạch, đất ở không hình thành đơn vị ở...
 

Các đại biểu tham gia thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Tại buổi họp, các đại biểu đã thảo luận, tham gia nhiều ý kiến trên cơ sở những vấn đề được nêu trong báo cáo của KTNN. Theo đó, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với các nội dung kiến nghị của KTNN. Đồng thời, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà KTNN đã đạt được trong năm 2017. Thủ tướng nhấn mạnh, năm vừa qua KTNN đã thực hiện nhiều chủ đề, nội dung kiểm toán phức tạp, nhạy cảm; qua đó đã có nhiều kiến nghị cụ thể về xử lý tài chính và hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách.

 
“Tôi đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ các kiến nghị của KTNN. Sớm sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi những bất cập, đặc biệt là những kẽ hở của cơ chế chính sách để đảm bảo những kẽ hở này không còn là nguyên nhân của những sai phạm mà KTNN đã chỉ ra”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, sự phối hợp thông tin giữa KTNN và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng hơn. Đây là cơ sở quan trọng để xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề được KTNN kiến nghị, đặc biệt là việc sửa đổi, hủy bỏ các văn bản pháp luật còn bất cập. “Các Bộ, ngành cần nghiên cứu kỹ các kiến nghị của KTNN. Sớm sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi những bất cập, đặc biệt là những kẽ hở của cơ chế chính sách để đảm bảo những kẽ hở này không còn là nguyên nhân của những sai phạm mà KTNN đã chỉ ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 

Thủ tướng đề nghị KTNN đưa ra danh mục những văn bản quy phạm pháp luật đã lạc hậu, cần sửa đổi hoặc hủy bỏ. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị KTNN đưa ra danh mục những văn bản quy phạm pháp luật đã lạc hậu, cần sửa đổi hoặc hủy bỏ, đồng thời giao Bộ Tư pháp rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sửa đổi hoặc hủy bỏ, để những bất cập này không còn gây ra thiệt hại cho Nhà nước.

Đối với những sai phạm đã được KTNN phát hiện, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành phải sớm xử lý các cá nhân và cơ quan vi phạm trên tinh thần nghiêm túc, đồng thời tìm ra nguyên nhân của những nhóm sai phạm trong sử dụng nguồn lực Nhà nước gây thất thoát, lãng phí để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Thủ tướng cũng đề nghị KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trong quá trình kiểm toán. Chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian cuộc kiểm toán, ban hành kết luận kiểm toán chính xác, có lý, có tình, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt, KTNN cần phối hợp chặt chẽ, chủ động với cơ quan thanh tra trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán. Đẩy mạnh việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong các đoàn kiểm toán. Đối với những công trình, dự án lớn, phức tạp cần kiểm toán sớm để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra sai phạm hay công trình hoàn thành rồi mới kiểm toán.
 
Tính đến ngày 04/01/2018, KTNN đã kết thúc 256/257 cuộc kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán 2017; kiến nghị điều tra 06 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ giám sát, điều tra và tố tụng.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán của 273/282 báo cáo kiểm toán, tổng kiến nghị xử lý tài chính là 43.660 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi NSNN 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng). Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí.

THANH TÙNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201