Thứ Sáu, 29/3/2024 - 12:40:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thấy gì từ xuất siêu kỷ lục

THỨ HAI, 21/09/2020 11:15:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Nhìn lại 8 tháng năm 2020 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu tới 11,9 tỷ USD - mức thặng dư thương mại kỷ lục của Việt Nam từ trước tới nay trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới - cao gấp hơn 3 lần so với quy mô xuất siêu 3,4 tỷ USD năm 2019 và 4,9 tỷ USD năm 2018. Thặng dư cán cân thương mại hàng hóa khổng lồ của Việt Nam có những đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, mặc dù thương mại quốc tế chịu tác động nặng nề của Covid-19 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 vẫn đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chỉ có 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Nói cách khác, nguyên nhân cơ bản của xuất siêu kỷ lục là sự sụt giảm của kim ngạch nhập khẩu chứ không phải là nhờ tăng kim ngạch xuất khẩu khi cùng kỳ năm 2019, kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018 còn xuất khẩu tăng tới 7,3%.

Thứ hai, tương tự như nhiều năm trở lại đây, 8 tháng năm 2020, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu 11,2 tỷ USD trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) vẫn duy trì xuất siêu 23,1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm mạnh so với mức 18,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2019 trong khi xuất siêu của khu vực FDI chỉ tăng nhẹ tương ứng so với mức 21,8 tỷ USD. Như vậy, công đầu tạo ra kỷ lục xuất siêu 8 tháng năm 2020 chính là khu vực kinh tế trong nước. Đến lượt mình, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước giảm mạnh là do kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2020 đạt tới 60,80 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn so với mức tăng 13,9% tương ứng của năm 2019), trong khi nhập khẩu 72,05 tỷ USD, chỉ tăng 2,9% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,9% tương ứng của năm 2019). Rõ ràng, do kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng chậm hẳn lại nhưng vẫn duy trì tốt tốc độ tăng xuất khẩu cao nên đóng góp chủ yếu vào kỷ lục xuất siêu hàng hóa chung của cả nền kinh tế. Thành tích của khu vực kinh tế trong nước càng ấn tượng khi trong cùng kỳ, khu vực FDI chỉ xuất khẩu được 113,31 tỷ USD (kể cả dầu thô), không những không tăng mà còn giảm tới 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng, xuất khẩu của khu vực FDI nhạy cảm với tác động của dịch bệnh hơn hẳn so với khu vực kinh tế trong nước khi 8 tháng năm 2019, xuất khẩu của khu vực FDI vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp xa con số tăng tương ứng 13,4% của năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI 8 tháng năm 2020 thậm chí còn giảm mạnh hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ vậy vẫn duy trì được mức xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

Thứ ba, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI đều giảm do hầu hết nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu vốn là thế mạnh đều giảm hoặc tăng thấp, điển hình là nhóm điện thoại và linh kiện chỉ xuất khẩu được 31,5 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu điện thoại và linh kiện đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,5%.

Ngược lại, những nhóm hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của khu vực kinh tế trong nước lại diễn biến trái chiều. Chẳng hạn, nếu nhóm xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8% hay máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9% và nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thì nhóm hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6% và giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% hay thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%, còn phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước (rau quả giảm 11,3%; hạt điều giảm 5,4%; cao su giảm 12,7%; hạt tiêu giảm 20%; riêng gạo lại tăng 10,4%).

Tóm lại, thành tích xuất siêu kỷ lục 8 tháng năm 2020 nửa mừng nửa lo. Mừng vì khu vực kinh tế trong nước đã đạt thành tựu kép đầy ấn tượng khi tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu với tốc độ cao bất chấp dịch bệnh, đồng thời giảm mạnh tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, giảm nhẹ thiệt hại do sự suy giảm cả kim ngạch xuất khẩu lẫn nhập khẩu của khu vực FDI. Mừng vì khu vực FDI vẫn duy trì mức xuất siêu lớn không chỉ bù đắp cho phần nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước mà còn thiết lập thặng dư cán cân thương mại bền vững trong mấy năm gần đây. Lo vì tốc độ tăng nhập khẩu chậm lại không phải vì Việt Nam đã phát triển được khu vực thay thế nhập khẩu hay giảm dần tỷ trọng gia công lắp ráp trong hoạt động xuất khẩu, nên suy giảm nhập khẩu rất có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế và liên quan tới những khó khăn trên thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu trong những tháng tới. Hơn nữa, lo vì xuất siêu tuy ảnh hưởng tích cực tới cán cân vãng lai, tới tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối, song thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ đi đôi với thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc có thể dẫn tới những hệ lụy không mong muốn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội như: cáo buộc thao túng tiền tệ, trừng phạt thương mại, phụ thuộc kinh tế do tập trung thương mại quá mức hay gian lận thương mại...

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201