Thứ Sáu, 19/4/2024 - 17:07:55 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thất thoát, tiêu cực trong dự án BT là lỗi hệ thống, không thể đổ hết cho nhà đầu tư

THỨ BA, 05/12/2017 11:00:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật Basico - trò chuyện cùng phóng viên Đặc san Kiểm toán.



Luật sư Trương Thanh Đức
 
Thưa ông, gần đây thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận, đặc biệt là những dự án BOT và BT. Là một luật sư từng tham gia tư vấn cho nhiều dự án kinh tế, ông có sự nhìn nhận như thế nào về hai hình thức đầu tư này? 

Xét về mặt nguyên tắc, vấn đề BT đơn giản, rõ ràng hơn và có thể kiểm soát tốt hơn BOT, bởi nó chỉ là thẩm định dự án, kiểm soát quá trình xây dựng và chuyển giao, không như BOT còn phải khai thác, vận hành lỗ lãi. Về nguyên tắc, nếu chỉ làm mỗi quy trình BT thì rất ổn vì nó sẽ giải quyết phần nào những nhu cầu hạ tầng cần thiết trong lúc NSNN khó khăn.

Thế nhưng, hình thức BT của nước ta phần nhiều lại gắn với việc đổi đất lấy công trình nên dễ gây bức xúc cho mọi người vì nguy cơ thất thoát, tham nhũng còn lớn hơn BOT. Hình thức BT thường chỉ được lựa chọn khi Nhà nước không có nguồn nào khác; không có tiền thật, không có ngân sách thì mới đổi đất lấy công trình.

Vấn đề ở đây là do luật chưa quy định rõ ràng nên gây ra nhiều ý kiến khác nhau, có người bảo luật không quy định thì không được làm, có người lại nói tôi vẫn làm hai quy trình BT một cách độc lập. Nếu làm công trình xong mà Nhà nước thanh toán là chuyện bình thường, hay vế ngược lại là nhà đầu tư xin Nhà nước giao đất, cho thuê đất, đấu giá để có được quyền sử dụng đất thì cũng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, hai vế này gắn với nhau thì lại nảy sinh nhiều câu chuyện khác. Tóm lại, bản chất BT là một hình thức hay nhưng do việc thực hiện không chuẩn, không minh bạch nên nhiều dự án đã đi ngược với kỳ vọng.

Với BOT, ngoài việc lập dự án thì các phương án thiết kế, phê duyệt đều giống hệt BT, Nhà nước đều phải kiểm soát. Nhưng ở BOT, Nhà nước có nguy cơ sẽ kiểm soát lỏng hơn BT vì không trực tiếp chi, không tạm ứng, không trả nợ. Dự án BT thì đã xác định rõ người trả tiền cho công trình nên vấn đề giám sát sẽ chặt hơn. Việc giám sát này không hoàn toàn đúng như đầu tư công nhưng nó cũng sẽ gần như thế. BOT không những chỉ quản lý xây dựng mà còn phải quản lý vận hành, còn BT thì xây xong phải chuyển giao ngay, thậm chí có khi phải kiểm soát từng bước, từng quá trình, đánh giá từng hạng mục trước khi chuyển giao tổng thể, cho nên về nguyên tắc là các cơ quan liên quan phải làm trách nhiệm hơn. 

Dư luận đã lên tiếng nhiều về sự kém hiệu quả của các dự án BT, cá nhân ông đánh giá như thế nào đối với những dự án BT mà ông biết?
Xét về cảm nhận, cả tôi và bạn có thể thấy rõ là một số dự án BT có vấn đề, chất lượng công trình không đúng như yêu cầu. Điều này thể hiện từ lúc nghiệm thu, đến khi vận hành khai thác một thời gian thì càng bộc lộ rõ sự kém chất lượng. Chủ đầu tư làm xong là xong, ít khi chịu trách nhiệm đến cùng, cho dù phải qua giai đoạn bảo hành.

Về chi phí giá thành, bình thường đầu tư công đã đội giá rất cao, nhưng dự án BT thì chi phí còn kinh khủng hơn.

Trên thực tế, mặc dù không trực tiếp nhưng hình thức BT thường gắn với câu chuyện thanh toán bằng quỹ đất, bằng dự án hoặc bằng thứ khác… nên nhà đầu tư dễ được hưởng lợi cả hai đầu. Đầu BT lãi một, đầu thanh toán còn lãi gấp nhiều lần vì cách tính giá. Tất nhiên, nó cũng có những rủi ro nhất định.

Ví dụ, có những công trình chúng ta cảm thấy lãi vì theo đúng khung giá, nhưng nếu nhà đầu tư không làm dự án tốt thì cũng có thể lỗ hoặc chỉ hòa. Vấn đề là ở cách tính giá. Nhà đầu tư, chính quyền địa phương, cơ quan thanh tra, kiểm toán… có thể áp dụng những cách tính khác nhau.

Tôi khẳng định, bất cứ một cơ quan nào cũng có thể tăng giảm giá gấp đôi, gấp ba theo biến động thị trường và đều có lý. Bởi lẽ, giá thị trường là cái giá rất phổ biến, phải đấu giá rồi mới biết. Thực tế, nhiều cuộc đấu giá đất đã biến động rất lớn sau khi bán ra. Việc định giá đất đai bây giờ khó hơn nhiều so với chứng khoán. Cả một dự án mênh mông, giá đất ở thời điểm xong dự án khác với lúc phê duyệt, càng khác với khi Nhà nước hỗ trợ làm một công trình nào đó.

Từ trước đến nay, Nhà nước vẫn nói là định khung giá theo giá thị trường để quản lý, thu thuế hay giao đất, nhưng nếu đất Hàng Ngang, Hàng Đào được định giá 100 triệu/m2 thì thực tế lại bán 500 triệu hoặc 1 tỷ đồng/m2. Bây giờ, định giá theo cái lý 1 tỷ đồng hay 100 triệu đồng cũng đều được xem là đúng.

Thời điểm thanh toán và giao đất là một vấn đề rất quan trọng. Thực tế, tôi cũng đã nghe thông tin có những dự án được thanh toán trước khi triển khai xây dựng. Như vậy thì rõ ràng nhà đầu tư sẽ chắc chắn được lợi, còn Nhà nước lại phải chạy theo, phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Ngược lại, một số địa phương lại đợi đến lúc nhà đầu tư làm xong công trình mới thanh toán hoặc giao giá trị tài sản tương đương. Điều này cho thấy pháp luật còn sơ hở nên các công đoạn đều phụ thuộc vào quan điểm của người trực tiếp thực hiện, và việc thực hiện chẳng có gì sai khi các quy định không cụ thể rõ ràng. 
 
Rất nhiều người cho rằng, đấu thầu là một phương án sẽ mang lại hiệu quả trong việc quản lý các dự án theo hình thức BT, ông có đồng ý với nhận định này không?

Ở đây có hai cuộc đấu thầu, một cuộc là để chọn lựa nhà đầu tư, một cuộc là để triển khai xây dựng. Hiện nay, cả hai mục tiêu đó gần như đều được chỉ định. Về yêu cầu để chọn nhà đầu tư, luật cũng quy định rất sơ sài, có thể đấu thầu rộng rãi công khai hoặc chỉ định. Như vậy thì đương nhiên việc chỉ định được cho phép rồi, chính quyền thực hiện theo cách nào cũng không sai. Vấn đề đấu thầu xây dựng hiện giờ cũng thường giao luôn cho nhà đầu tư. 

Tất nhiên, việc đấu thầu này chỉ hợp lý khi nó được kiểm soát tốt, nếu không thì có những cuộc trên thực tế còn thua cả chỉ định thầu. Bởi lẽ, khi chỉ định thầu, những người có trách nhiệm còn phải nhìn trước ngó sau, còn phải e dè, nếu chỉ đạo sai, xảy ra rủi ro tham nhũng, phạm pháp thì họ sẽ bị liên lụy, ít nhất là mất uy tín, lớn hơn thì có thể chịu trách nhiệm hình sự. Nếu đấu thầu được hợp thức hóa hồ sơ, “quân xanh quân đỏ” thì thất thoát còn khủng khiếp hơn mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Cho nên theo nguyên lý, đấu thầu là tốt, nhưng thực tế nếu không cẩn thận thì nó lại hợp thức hóa cho các vi phạm. Đây chính là câu chuyện rất khó cho chúng ta hiện nay.


Sẽ thế nào nếu Nhà nước áp dụng quản lý dự án BT như những dự án hoàn toàn từ nguồn NSNN, thưa ông?

Áp dụng cách quản lý đó cũng có vướng mắc vì nó sẽ trói chặt quyền chủ động cũng như khả năng chi phí vận hành. Tuy nhiên, nếu không như thế thì nền kinh tế sẽ “chết” vì thất thoát ngân sách dưới dạng này hay dạng khác. Tôi cho rằng, cơ quan nhà nước không nhất thiết phải nghiêng quá về một hướng mà cần tìm ra giải pháp dung hòa trên nguyên tắc quản lý chặt. Nếu để lỏng lẻo từ hệ thống pháp luật đến cách làm thì lại xảy ra tình trạng lách luật hoặc lợi dụng. 

Trên thực tế, nếu quản lý các dự án BT hay BOT giống như đối với các dự án từ vốn NSNN thì có thể nó sẽ triệt tiêu hình thức đầu tư này vì nhà đầu tư thường không quan tâm đến hiệu quả và chất lượng thực sự mà chỉ quan tâm đến lợi ích. Khi lợi ích bị thắt chặt, họ sẽ không còn động lực. 

Về nguyên tắc, Nhà nước vì không có tiền nên mới phải nhờ nhà đầu tư có tiền và có kinh nghiệm xây dựng công trình. Khi nhà đầu tư thấy đây là dự án có tiềm năng, hiệu quả thì họ sẽ đầu tư, nhưng phải chấp nhận là có được, có thua. Nếu quản lý không tốt, tính không chuẩn thì nhà đầu tư có thể thua lỗ, thậm chí là phá sản vì dự án. Tuy nhiên, tình trạng vừa qua cho thấy nhiều nhà đầu tư không bao giờ phải lo mất vốn vì họ đang “tay không bắt giặc”, vốn đi vay hoàn toàn dưới sự đảm bảo của Nhà nước, họ chỉ có mỗi một rủi ro là tiến độ dự án nhanh hay chậm. 

Thưa ông, trong trường hợp này, nguyên tắc quản lý chặt mà ông vừa yêu cầu sẽ bao gồm những vấn đề cụ thể nào?

Đó là không được để công trình đội giá, làm đúng chất lượng, giá thành đúng, chi phí hợp lý, hợp lệ, đấu thầu chặt, chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính... Ngoài ra, cần xem lại nguyên tắc đảm bảo cho nhà đầu tư. Về vấn đề thất thoát, phải nhìn thẳng một điều là nhà đầu tư dù lãi rất nhiều, “ăn” rất nhiều nhưng thực tế họ cũng phải rải các chi phí “bôi trơn” đến hơn 1/3 số đó. Đây mới chính là chỗ tiêu cực nhất, là lỗi hệ thống, không thể đổ hết lỗi cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng khốn khổ, thậm chí còn “chết oan”.

Nếu quản chặt, đồng thời không có tiêu cực, làm đúng theo nguyên lý thì hình thức BT sẽ tiếp tục phát triển và có hiệu quả. Nhưng nếu chỉ quản chặt về chất lượng mà vẫn còn tình trạng chi trong, chi ngoài, không hạn chế được tham nhũng thì quản chặt cũng có nghĩa sẽ chấm hết hình thức này. Điều đó cũng lý giải tại sao nhà đầu tư nước ngoài thường không mặn mà hoặc không dám đầu tư theo hình thức BT trong khi họ thừa năng lực, thừa vốn. Với nhà đầu tư nước ngoài, các khoản tiêu cực kia sẽ rất khó được chi ra. 

Để các dự án BT hay BOT thực sự có hiệu quả, đầu tiên là phải hướng tới sự công khai minh bạch. Nhưng tôi thấy điều đó quá khó khi hệ thống pháp lý vẫn vận hành như hiện nay. Nếu chỉ đưa ra giải pháp đấu thầu và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng một cách chung chung thì tôi không hy vọng thay đổi được cục diện tình hình. Đúng ra là nó cũng có thay đổi nhưng không cải thiện được nhiều bởi lý do chính còn nằm ở chỗ khác. Quan trọng nhất là hệ thống vận hành phải thoát được sự méo mó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYÊN SƠN (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201