Thứ Bảy, 20/4/2024 - 10:19:49 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam

THỨ HAI, 12/08/2019 09:20:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chi phối thương mại toàn cầu đồng thời cũng là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Vì vậy, quan hệ thương mại Mỹ - Trung tác động rất mạnh đến thương mại nói riêng, đến kinh tế của Việt Nam nói chung. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung hầu như không tác động trực tiếp đến thương mại và đầu tư của Việt Nam mà tác động gián tiếp là quan trọng nhất, nổi bật trên các mặt:

1. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung chi phối sự phát triển của thương mại và đầu tư toàn cầu nên xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể làm giảm tốc thương mại quốc tế, qua đó ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam kể cả về lượng và về giá. Thực tế kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 7 tháng năm 2019 chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 và nhập khẩu tăng 8,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 2,77% còn chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2018.

2. Việt Nam liên tục xuất siêu sang Mỹ với hàng chục tỷ USD mỗi năm có thể khiến cho các biện pháp trừng phạt thương mại mà Mỹ dành cho Trung Quốc với lý do thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc cũng có thể mở rộng áp dụng đối với cả Việt Nam với lý do tương tự mặc dù với mức độ và quy mô thấp hơn. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ tới 32,5 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2018) và chỉ nhập khẩu 8,27 tỷ USD từ Mỹ (tăng 8,6%). Để giảm thặng dư thương mại với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị trừng phạt “lây”, Việt Nam có thể phải điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao và một số nông sản là thế mạnh của Mỹ.

3. Sức ép từ phía Mỹ có thể khiến Trung Quốc điều chỉnh bớt dòng xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam khiến cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng thêm nặng nề, nhất là bên cạnh thương mại chính thức còn có thương mại phi chính thức mà Việt Nam chưa kiểm soát được. Sau 7 tháng năm 2019, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Việt Nam tới 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018 trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đứng yên ở mức 20 tỷ USD.

4. Cuộc chạy đua kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại đủ sức cạnh tranh với công nghệ của Mỹ. Vì vậy, những công nghệ lạc hậu bị thải loại của Trung Quốc có thể tìm “bến đỗ” ở Việt Nam. Thực tế nhập khẩu máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây thông qua sự hỗ trợ của cả đầu tư trực tiếp lẫn các khoản cho vay của Trung Quốc. Bên cạnh đó, để tránh chiến tranh thương mại, một phần dòng vốn FDI rút ra từ Trung Quốc có gắn với công nghệ cao có thể chọn Việt Nam làm điểm đến. Tuy nhiên, khả năng này chưa thành hiện thực khi sau 7 tháng năm 2019, FDI đăng ký mới vào Việt Nam mới có 2.064 dự án với tổng vốn đăng ký gần 8,3 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án nhưng lại giảm tới 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018, làm cho tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi vốn FDI thực hiện cũng chỉ tăng 7,1% và đạt 10,6 tỷ USD

5. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, tranh chấp, thậm chí chiến tranh thương mại công nghệ và kéo theo chiến tranh tiền tệ nên Việt Nam phải luôn sẵn sàng chuẩn bị các phương án tối ưu để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với thương mại, đầu tư và tài chính tiền tệ,... Việc USD liên tục lên giá do kinh tế Mỹ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và FED giảm lãi suất USD trong khi NDT mất giá mạnh do hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ gây sức ép lên chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201