Thứ Ba, 23/4/2024 - 17:31:05 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nỗ lực cho phục hồi kinh tế năm 2020

THỨ NĂM, 14/01/2021 08:25:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%. Với tinh thần đó, “dù không đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra vì lý do khách quan, năm 2020 vẫn được đánh giá thành công hơn 2019”, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương cả nước ngày 28/12/2020.

Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức từ hơn 6 - 11,2% trong năm 2021. Chẳng hạn, trong các dự báo mới nhất cuối năm 2020, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% GDP trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo; ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng năm 2021 là 6,1%; IMF dự báo lạm phát ở mức 3,5% trong năm 2021; Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1% trong năm 2021. Thậm chí, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19 và tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 11,2% vào năm 2021.

Yếu tố quyết định làm căn cứ cho những chỉ báo lạc quan về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2021 là sự thành công trong thực tế kiểm soát sự lây lan của Covid-19; đồng thời, các xung lực tăng trưởng được cộng hưởng nhờ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và chi tiêu công; sớm và đang tiếp tục đưa ra các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ DN và người dân, trong đó có giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các DN; hỗ trợ phục hồi tiêu dùng và gia tăng thương mại; tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng đang và sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, từ sự dịch chuyển, tái định vị các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.

Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng cần cảnh giác trước những nguy cơ toàn cầu do đại dịch Covid-19 kéo dài; có kịch bản thích ứng hiệu quả hơn với sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; gia tăng các nỗ lực cải thiện thu nhập hộ gia đình và DN, khai thác thị trường trong nước trước sự suy giảm tổng cầu nội địa (theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát); các chính sách cần ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc, các DN nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. Đây sẽ là những điều kiện thiết yếu để bảo đảm kinh tế khu vực dần hồi phục một cách toàn diện và bền vững.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2021, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang, nhưng không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA. Chủ động phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định RCEP cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, các DN thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu có cơ hội thuận lợi hoặc bị tác động. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp…

Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo, giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ để hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với các cơ quan, địa phương chuẩn bị cho công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp sắp tới và công tác kiện toàn bộ máy chính quyền tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chiếm đoạt hàng cứu trợ, tín dụng đen, xuất nhập cảnh trái phép...
 
Tất cả các cấp, ngành, địa phương và DN cần nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và chính mình, nhằm đạt mục tiêu cho năm 2021 tăng GDP trên 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.n

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201